Báo cáo mới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Viện Tài nguyên Thế giới và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) được công bố hôm 28-10 chỉ ra rằng việc phá rừng, cộng với các vụ cháy rừng ngày càng nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc các khu rừng thải ra khí carbon nhiều hơn là hấp thụ.
Trong số các khu rừng di sản thế giới gây phát thải có rừng nhiệt đới Sumatra (Indonesia), Công viên Kinabalu trên đảo Borneo (Malaysia), dãy núi Blue (Úc), Vườn Quốc gia Yosemite và Grand Canyon (Mỹ).
Một số cây được khai thác sau trận cháy rừng ở khu vực Groveland, bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS
Ông Tales Carvalho Resende, đồng tác giả báo cáo, cho hay ngay cả một số khu rừng mang tính biểu tượng nhất và được bảo vệ tốt nhất cũng có thể góp phần gây biến đổi khí hậu.
Giới nghiên cứu phát hiện các khu rừng di sản thế giới đã hấp thụ khoảng 190 triệu tấn CO2 trong khí quyển mỗi năm, tương đương 1/2 lượng khí thải hằng năm từ nhiên liệu hóa thạch ở Anh. Theo kênh Al Jazeera, hiện có khoảng 257 khu rừng di sản thế giới trên toàn cầu, tổng diện tích 69 triệu ha.
Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu không ngăn chặn biến đổi khí hậu, những đợt nắng nóng chết người sẽ chỉ tồi tệ hơn. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất.
Nhà khí hậu học Robert Vautaud, người đứng đầu Viện Pierre-Simon Laplace (Pháp), cho biết mỗi đợt nắng nóng khủng khiếp hoành hành trên diện rộng khiến hàng ngàn người tử vong.
Dự thảo báo cáo trước thềm Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến diễn ra ở TP Glasgow - Scotland từ ngày 31-10, nêu rõ nếu nhiệt độ trên thế giới tăng lên 2 độ C thì 1/4 dân số thế giới có thể chịu đựng các đợt nắng nóng nghiêm trọng ít nhất 1 lần trong 5 năm.
Bình luận (0)