Tuy nhiên, 4 nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi, Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Oman bất ngờ thông báo không tới dự vào phút chót.
Nhà Trắng khẳng định không xem động thái trên của Quốc vương Salman
là dấu hiệu không hài lòng đối với Washington. Ảnh: NBC News
Trong số này, quyết định của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman được cho là khá bất ngờ khi gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Riyadh hôm 8-5, ông cho biết rất mong đợi cuộc họp trên.
Trong tuyên bố hôm 10-5, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cho biết quốc vương phải ở lại Riyadh bởi hội nghị trùng với thời gian diễn ra ngừng bắn nhân đạo ở Yemen - nơi Ả Rập Saudi đang dẫn đầu liên quân chống phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn. Ngoài ra, ông cũng không thể bỏ lỡ lễ khai mạc diễn ra cùng ngày của trung tâm cứu trợ nhân đạo mang tên mình. Thay vào đó, quốc vương phái Thái tử Mohammed bin Nayef - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ - và Hoàng tử Mohammed bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng, tới trại David.
Nhà Trắng khẳng định không xem động thái trên của Quốc vương Salman là dấu hiệu không hài lòng đối với Washington. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, sự vắng mặt đó có thể biểu thị thái độ lạnh nhạt. “Quyết định của quốc vương cho thấy ông nghĩ rằng mình có nhiều việc đáng làm hơn” - ông Alterman đánh giá.
Theo báo The Wall Street Journal, quyết định của các nước Ả Rập cho thấy họ vẫn không đồng tình với cách xử lý vấn đề hạt nhân Iran của Washington, đồng thời sẽ tiếp tục hành động để ngăn cản Tehran như cách mà Ả Rập Saudi đã làm ở Yemen: Tấn công Houthi mà chỉ báo trước cho Washington vỏn vẹn 1 giờ.
Một số quan chức Ả Rập tiết lộ họ không tin chương trình nghị sự tại Trại David đủ sức trấn an những lo ngại về Iran, đồng thời bày tỏ hy vọng GCC có thể ký một hiệp ước quân sự với Washington giống như của Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Bình luận (0)