Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết lực lượng cứu hộ đã được triển khai đến những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm các TP Tùy Châu, Tương Dương và Hiếu Cảm. TP Nghi Thành cũng đã chứng kiến lượng mưa kỷ lục 400 mm vào ngày 12-8. Theo hãng thông tấn China News Service, có đến 774 hồ chứa ở Hồ Bắc đã vượt mức cảnh báo lũ vào tối cùng ngày.
Báo China Daily ngày 13-8 đưa tin thời tiết cực đoan tại tỉnh Hồ Bắc đã gây mất điện diện rộng, tàn phá hơn 3.600 căn nhà và 8.110 ha mùa màng, với tổng thiệt hại khoảng 16,67 triệu USD.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cảnh báo mưa lớn có thể kéo dài đến tuần sau, gây nguy cơ lũ lụt cho các khu vực dọc sông Trường Giang. Cảnh báo thảm họa địa chất cũng được đưa ra tại những khu vực có nguy cơ, trong đó có các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Hà Nam, An Huy, Tứ Xuyên, Quý Châu, Chiết Giang và TP Trùng Khánh.
Người dân được sơ tán sau một trận mưa lớn ở TP Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc hôm 12-8 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ngày 13-8 cảnh báo mưa lớn ở tỉnh Hiroshima có nguy cơ gây lũ lụt và những thảm họa khác.
Đài NHK dẫn phân tích radar cho biết những khu vực xung quanh các TP Hiroshima và Akitakata, cũng như thị trấn Kitahiroshima, đã hứng lượng mưa khoảng 140 mm trong vòng 3 giờ. Cùng ngày, giới chức Nhật Bản cho biết mưa lớn đã khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và buộc gần 70.000 người sơ tán ở Hiroshima.
Tại Ấn Độ, theo hãng tin PTI, ngày 12-8, lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 1.200 ngôi làng tại bang Uttar Pradesh. Riêng TP Allahabad hứng chịu đợt ngập lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ sau nhiều ngày mưa lớn. Mực nước sông Hằng tại thành phố này đã dâng cao hơn 2 m so với thông thường.
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng tìm kiếm và cứu hộ hôm 13-8 đã tìm thấy thêm 10 thi thể, nâng tổng số người thiệt mạng vì lũ lụt và sạt lở ở phía Bắc nước này lên 27 người.
Theo Cơ quan Quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), những thi thể mới nhất được tìm thấy tại tỉnh Kastamonu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng đã tấn công Kastamonu cùng các tỉnh Bartin, Sinop và Samsun kể từ ngày 11-8, khiến nhà cửa và cầu đường bị tàn phá, xe cộ bị cuốn trôi và hơn 1.700 người phải sơ tán.
Thảm họa trên xảy ra trong bối cảnh lực lượng cứu hỏa ở Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực dập tắt một đám cháy rừng ở tỉnh Mugla. Đám cháy này đã được kiểm soát vào ngày 12-8 và là một trong hơn 200 đám cháy bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 28-7. Đợt cháy rừng này đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và hàng ngàn người sơ tán.
Bình luận (0)