Được soạn thảo bởi hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới, báo cáo trên kết luận hậu quả của biến đổi khí hậu có thể tồi tệ hơn nhiều nếu nhân loại không nắm bắt tức thì "cơ hội mong manh còn lại" để ngăn nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhà khoa học Joeri Rogelj và Piers Forster kêu gọi cắt giảm phát thải khí CO2 sau khi hoàn tất báo cáo của IPCC hôm 7-8 Ảnh: REUTERS
Theo báo cáo, tình trạng băng tan ngày một nhanh đã xả hàng ngàn tấn nước ra đại dương, nơi nồng độ axít đang gia tăng trong khi mực ôxy sụt giảm, khiến "các vùng biển bị ngạt". Mực nước biển đã dâng 20 cm và hiện không thể đảo ngược. Nồng độ CO2 trong không khí đang ở mức cao nhất trong ít nhất 2 triệu năm.
Báo cáo cho biết lần gần đây nhất nhân loại chứng kiến nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh như hiện tại là cách đây ít nhất 2.000-100.000 năm, nhiệt độ cao như hiện tại là ít nhất 6.500 năm, mực nước biển dâng nhanh như hiện tại là ít nhất 3.000 năm và nồng độ axít trong đại dương cao như hiện tại là 2 triệu năm.
Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, như khiến nắng nóng và mưa lũ diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn kể từ những năm 1950, gây ảnh hưởng đến hơn 90% khu vực trên toàn thế giới. Báo cáo còn lưu ý nhiệt độ toàn cầu chắc chắn sẽ tăng thêm 1,5 độ C trong 2 thập kỷ tới so với thời kỳ tiền công nghiệp, bất chấp mọi nỗ lực cắt giảm khí thải.
Thông tin tích cực duy nhất là chúng ta vẫn có thể duy trì mức 1,5 độ C này nếu triển khai những động thái cắt giảm phát thải "tức thì, nhanh chóng và quy mô lớn", giới khoa học khẳng định.
Bình luận (0)