Một nhân viên sứ quán Trung Quốc cho biết khoảng 1.000 người Trung Quốc đã sơ tán khỏi Libya trong khi khoảng 1.100 người còn ở lại. Theo Reuters, chính phủ Malta đang chuẩn bị cho một đợt sơ tán lớn hơn từ Libya nếu bạo lực tiếp tục gia tăng.
Các chiến binh tổ chức nổi dậy Hồi giáo Ansar al-Sharia
Ảnh: AL ARABIYA NEWS
Trong khi đó, Philippines cho biết đã thuê tàu chở 1.000 công dân nước này từ Libya đến Malta và sẽ nhanh chóng đưa thêm 13.000 người đi. Một ngày trước, 150 công dân nước ngoài, hầu hết là người Philippines, đã đáp máy bay từ sân bay Mitiga ở Tripoli đến Malta.
Hôm 30-7, một nữ điều dưỡng người Philippines đã bị bắt cóc và cưỡng hiếp tập thể ở Tripoli. Sự việc thương tâm kể trên xảy ra 10 ngày sau khi người ta phát hiện thi thể bị chặt đầu của một công nhân xây dựng Philippines tại một bệnh viện ở TP Benghazi.
Ngoài ra, một nguồn tin ngoại giao xác nhận hơn 40 công dân Pháp và 7 người Anh đã được sơ tán khỏi Libya bằng tàu thủy. Báo Deutsche Welle đưa tin các quốc gia châu Âu khác như Đức, Hà Lan cũng khuyến cáo công dân rời Libya. Hy Lạp đã gửi tàu đến Libya để sơ tán nhân viên sứ quán, đi cùng có hàng trăm công dân châu Âu và Trung Quốc.
Theo Đài Al Arabiya, tổ chức nổi dậy Hồi giáo Ansar al-Sharia khẳng định đã hoàn toàn kiểm soát Benghazi vào cuối ngày 30-7, đồng thời tuyên bố thành phố này là “tiểu vương quốc Hồi giáo”. Tuy nhiên, cựu tướng quân đội Khalifa Haftar bác bỏ.
Ở Tripoli, giao tranh đã tiếp diễn tại phía Nam thủ đô hôm 31-7 sau một ngày tạm dừng để lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy tại kho nhiên liệu gần sân bay chính của thành phố. Khoảng 200 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại Tripoli và Benghazi trong 2 tuần qua. Theo Đài BBC, quốc hội Libya - mới được bầu cuối tháng trước - dự kiến sẽ nhóm họp khẩn cấp vào ngày 4-8.
Bình luận (0)