Cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi sự tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề biển Đông sau khi Trung Quốc không chịu tuân thủ phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan.
Nguy cơ xung đột ngoài ý muốn
Vấn đề biển Đông là một trong những nội dung thảo luận chính khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiếp Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại thủ đô Jakarta ngày 2-8. Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi, người có mặt tại cuộc gặp, cho biết ông Widodo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Indonesia không muốn biển Đông trở thành đấu trường phô diễn sức mạnh của các cường quốc. Thủ tướng Najib cũng chia sẻ quan điểm của nước chủ nhà.
Cùng ngày, chính phủ Nhật Bản đã thông qua nội dung Sách Trắng Quốc phòng, trong đó bày tỏ lo ngại sâu sắc về một Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế khi cư xử với các nước khác. Theo Reuters, văn kiện dài 484 trang này cảnh báo Bắc Kinh có nguy cơ gây ra xung đột ngoài ý muốn với những nước châu Á khác thông qua lập trường hung hăng trong các cuộc tranh chấp lãnh hải. “Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các yêu sách đơn phương mà không cần thỏa hiệp” - Sách Trắng nêu rõ, đồng thời bày tỏ nỗi lo về mối đe dọa ngày càng tăng của tên lửa chống hạm Trung Quốc đối với tàu hải quân của nước khác.
Trong Sách Trắng, Tokyo một lần nữa thúc giục Bắc Kinh tuân thủ phán quyết mang tính ràng buộc của PCA về vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến biển Đông vào tháng rồi. Nhật Bản còn vạch trần sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc tại biển Hoa Đông, nơi hai nước đang tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tiếp tục thách thức
Phản ứng lại Sách Trắng nêu trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản thổi phồng mối đe dọa của Bắc Kinh và tìm cớ để tăng cường chi tiêu quân sự. Trong động thái được cho là dằn mặt Nhật Bản, Trung Quốc hôm 1-8 tiến hành cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật quy mô lớn ở biển Hoa Đông, lấy lý do kỷ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Truyền thông nhà nước khoe cuộc tập trận bắn đạn thật này có sự tham gia của hàng trăm tàu chiến, tàu ngầm và hàng chục máy bay chiến đấu.
Không dừng lại ở đó, Tòa án Tối cao Trung Quốc ngày 2-8 ngang nhiên xác định mức phạt dành cho những ngư dân trong và ngoài nước “hoạt động trái phép” tại vùng biển mà Bắc Kinh xem là lãnh hải mình, trong đó có các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Mức phạt tối đa có thể lên đến 1 năm tù. Theo Reuters, đây được xem là động thái đáp trả phán quyết của PCA, theo đó những bãi đá Trung Quốc chiếm giữ trái phép ở biển Đông không thể có EEZ.
Trong bước đi khác cho thấy sự thách thức, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vào cuối tuần rồi cảnh báo tàu Úc sẽ là một mục tiêu lý tưởng để Bắc Kinh tấn công nếu đi vào biển Đông. Không những thế, bài viết đầy khiêu khích trên báo này còn có những lời lẽ xúc phạm Úc khi gọi đây là đất nước có nguồn gốc “thiếu văn minh”, là “nhà tù của Anh ở nước ngoài”.
Theo tờ The Australian (Úc) ngày 2-8, những lời lẽ hằn học nêu trên không có gì khó hiểu khi Úc thuộc số nhiều nước lên tiếng thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết PCA. Ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy (Úc), nhận định dù mục đích của Thời báo Hoàn Cầu là gì đi nữa, bài báo trên đang dần thức tỉnh người Úc về chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc và những rủi ro chiến lược nó gây ra.
Bình luận (0)