Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 15-3 thúc giục các nước tiếp tục sử dụng vắc-xin Covid-19 của Trường ĐH Oxford (Anh) và Công ty AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) sau khi một số nước châu Âu ngưng sử dụng nó vì vấn đề đông máu. "Cho đến hôm nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm loại vắc-xin này là nguyên nhân gây ra các sự cố. Điều quan trọng là cần tiếp tục thực hiện các chương trình tiêm chủng để có thể cứu nhiều mạng sống và ngăn chặn bệnh nặng do nhiễm virus" - ông Christian Lindmeier, phát ngôn viên của WHO, khẳng định.
WHO cho biết thêm ban cố vấn của tổ chức này đang xem xét các báo cáo liên quan tới những trường hợp có phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin trên và sẽ công bố kết luận sớm nhất có thể. Tuy nhiên, WHO cho biết ít có khả năng thay đổi các khuyến nghị về việc sử dụng loại vắc-xin này, đồng thời trấn an công chúng không nên hoang mang.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đang điều tra thông tin về những trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc-xin Oxford - AstraZeneca. Dù vậy, cơ quan này nhận định Covid-19 là mối đe dọa còn lớn hơn nhiều so với nguy cơ bị tác dụng phụ từ việc tiêm vắc-xin này. Tính đến ngày 10-3, theo EMA, có tổng cộng 30 báo cáo về những trường hợp xuất hiện triệu chứng đông máu trong tổng số gần 5 triệu người được tiêm chủng vắc-xin Oxford - AstraZeneca tại châu Âu.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha được tiêm vắc-xin Oxford - AstraZeneca hôm 16-3 Ảnh: REUTERS
WHO và EMA có phản ứng trên trong bối cảnh Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Cyprus trở thành những nước mới nhất ở châu Âu tạm ngưng sử dụng vắc-xin Oxford - AstraZeneca. Dù vậy, vẫn có nhiều nước khẳng định tiếp tục tiêm vắc-xin này cho người dân. Theo đài ITV, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định không có lý do gì để nói không với vắc-xin Oxford - AstraZeneca. Trong khi đó, giới chức Bắc Ireland và Scotland phát đi thông điệp trấn an, đồng thời thúc giục người dân tin tưởng vắc-xin này.
Tương tự, giới chức Úc hôm 16-3 cho biết hiện không có kế hoạch ngưng sử dụng vắc-xin Oxford - AstraZeneca. Trả lời phỏng vấn kênh Sky News, Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết cả EMA và WHO đều xác nhận vắc-xin này an toàn và hiệu quả nên Canberra sẽ tiếp tục triển khai nó. Theo Reuters, Úc bắt đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 toàn quốc vào tháng rồi và phần lớn trong số 25 triệu người dân nước này sẽ được tiêm vắc-xin Oxford - AstraZeneca.
Vắc-xin Oxford - AstraZeneca cũng được tin tưởng ở Thái Lan sau khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và nội các của ông được tiêm loại vắc-xin này hôm 16-3. Việc tiêm chủng nói trên lẽ ra được tiến hành vào ngày 12-3 nhưng bị hoãn do những nỗi lo về an toàn. Thủ tướng Prayuth, người sắp bước sang tuổi 67, cho biết ông cảm thấy ổn sau khi tiêm, cũng như bày tỏ hy vọng hành động của mình sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của công chúng đối với vắc-xin.
Chiến lược tiêm chủng Covid-19 của quốc gia Đông Nam Á này chủ yếu dựa vào việc sản xuất vắc-xin Oxford - AstraZeneca trong nước. Theo kế hoạch, vắc-xin do Thái Lan sản xuất dự kiến sớm nhất là đến tháng 6 mới có thể sẵn sàng đưa vào sử dụng. Đó cũng là thời điểm nhà chức trách Thái Lan dự kiến tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà.
Riêng nước Mỹ dự kiến trong tháng 4 sẽ bật đèn xanh đối với việc sử dụng khẩn cấp vắc-xin Oxford - AstraZeneca. Ông Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), cho biết một nhóm chuyên gia độc lập đang xem xét kết quả thử nghiệm vắc-xin Oxford - AstraZeneca đối với 32.000 tình nguyện viên tại nước này để đánh giá xem nó có an toàn và hiệu quả hay không. Nếu kết quả khả quan và mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ đánh giá và cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vắc-xin này sớm nhất vào tháng tới.
Bình luận (0)