Công dân Nhật Bản có thể rời khỏi TP Vũ Hán sớm nhất là trong ngày 28-1. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết các chuyến bay sơ tán đang được chuẩn bị để cất cánh đến Vũ Hán càng sớm càng tốt. Khoảng 430 công dân Nhật Bản được xác nhận đang bị mắc kẹt ở đó.
Mỹ cũng thuê một chiếc Boeing 767 để sơ tán nhân viên lãnh sự quán ở Vũ Hán và công dân tại đó trong ngày 28-1. Trước đó một ngày, nhà chức trách Mỹ đã khuyến cáo công dân mình không nên đến Trung Quốc.
Chính phủ Canada cũng đưa ra khuyến cáo tương tự.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại một bệnh viện ở TP Vũ Hán hôm 27-1. Ảnh: Reuters
Nhiều nước khác cũng đang vất vả với chuyện đưa công dân khỏi nơi được xem là trung tâm của dịch nCOV-2019. Pháp xác nhận khoảng 800 công dân mình tại TP Vũ Hán sẽ được sơ tán vào giữa tuần này.
Trong khi đó, Nga, Tây Ban Nha, Sri Lanka và Thái Lan đang đề nghị Bắc Kinh cho phép công dân mình rời đi. Riêng Nga đang thương thảo với Trung Quốc về việc sơ tán 140 công dân, trong đó có 75 sinh viên, khỏi Vũ Hán.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 27-1 cho biết Bắc Kinh vẫn chưa cho phép Bangkok đưa máy bay đến sơ tán công dân Thái Lan. "Trung Quốc xác nhận vẫn có thể kiểm soát virus. Chừng nào tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát, những chuyến bay sơ tán là không cần thiết" - ông Prayut cho biết.
Nhân viên y tế giúp một bệnh nhân tại TP Vũ Hán. Ảnh: EPA
Một số nước khác, trong đó có Úc, Anh, Đức, Ấn Độ...cũng đang cân nhắc lựa chọn sơ tán công dân. Dù vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia thừa nhận việc đưa 93 công dân họ rời Vũ Hán dường như là nhiệm vụ "bất khả thi" lúc này.
Theo thống kê, có khoảng 19.000 người nước ngoài đăng ký cư trú tại tỉnh Hồ Bắc trong năm 2018, trong đó hơn 15.000 người sống tại Vũ Hán.
Virus 2019-nCOV được cho là xuất phát từ Vũ Hán và đã khiến trên 2.700 người nhiễm bệnh khắp thế giới và khoảng 81 người tử vong. Chính quyền Bắc Kinh hôm 28-1 cho biết sẽ ngưng hầu hết dịch vụ xe buýt đến tỉnh Hồ Bắc lân cận để khống chế sự lây lan của virus.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 27-1 thừa nhận đã xảy ra "lỗi đánh máy" trong đánh giá nguy cơ toàn cầu đối với virus này và điều chỉnh từ mức "vừa phải" thành mức "cao" đối với nguy cơ này.
Bình luận (0)