xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều thách thức chờ ông Macron

HOÀNG PHƯƠNG

Kết quả vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống tiếp tục cho thấy nước Pháp đang đối mặt sự chia rẽ sâu sắc về kinh tế và xã hội

Với tỉ lệ phiếu bầu 66,1%, ông Emmanuel Macron đã chiến thắng thuyết phục trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm 7-5, một kết quả khiến cả châu Âu nói riêng và thế giới nói chung thở phào nhẹ nhõm.

Xoa dịu nỗi lo

Dù vậy, kết quả cuộc bầu cử tiếp tục cho thấy nước Pháp đang đối mặt sự chia rẽ sâu sắc về kinh tế và xã hội cũng như những căng thẳng xoay quanh vấn đề nhập cư và bản sắc của đất nước.

Trong số cử tri bỏ phiếu, có đến 33,9% người chọn bà Marine Le Pen - thành tích ấn tượng nhất từ trước đến giờ của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN). Ngoài ra, có đến 1/3 cử tri quyết định không lựa chọn ứng viên nào bằng cách không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trống - một con số cao kỷ lục trong gần 50 năm qua.

Tạp chí The New Yorker nhận định chiến thắng của ông Macron phần nào đó đến từ việc cử tri không muốn bà Le Pen lên nắm quyền (trong vòng 2 cuộc bầu cử) và phản đối các đảng truyền thống (trong vòng 1 cuộc bầu cử) hơn là từ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho chương trình nghị sự của ông.

Nhiều thách thức chờ ông Macron - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande dự một buổi lễ ở thủ đô Paris - Pháp hôm 8-5 Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu không lâu sau khi kết quả được công bố, ông Macron tìm cách thể hiện trước công chúng rằng mình là một nhà lãnh đạo chín chắn, trưởng thành và được chuẩn bị đầy đủ để vào Điện Élysée.

Dù vậy, ông thừa nhận nhiều thách thức lớn còn chờ phía trước, cam kết chống lại những lực lượng chia rẽ đang làm tổn hại đất nước cũng như muốn bảo đảm rằng cử tri sẽ không còn lý do gì để bỏ phiếu cho một người theo đường lối cực hữu như bà Le Pen. Mục tiêu chính của ông là xoa dịu nỗi lo sợ của người dân, khôi phục niềm tin và tập hợp đất nước để đối mặt thách thức.

Thách thức đầu tiên mà ông Macron đương đầu sau khi dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14-5 là giúp Đảng En Marche! mới 1 năm tuổi của mình nắm thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy En Marche! nhiều khả năng đạt kết quả mà ông Macron rất cần nói trên để thúc đẩy các chính sách đối nội, đối ngoại của mình.

Theo Reuters, tổng thống Pháp đắc cử dự định cắt giảm chi tiêu công, cải cách thuế, nới lỏng luật lao động, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và cải tổ dần hệ thống lương hưu. Đây được xem là nỗ lực để giúp nền kinh tế Pháp năng động hơn dù ông Macron không hé lộ nhiều chi tiết.

Là người ủng hộ một EU hội nhập và có quan điểm thân NATO, ông Macron không có ý muốn thay đổi quan hệ với những đồng minh truyền thống, diện mạo quân đội hoặc vai trò gìn giữ hòa bình của Pháp ở Trung Đông và châu Phi.

Chủ nghĩa dân túy còn đó

Riêng với EU, việc bà Le Pen thất cử giúp loại bỏ mối đe dọa tức thì nghiêm trọng nhất: một chính phủ hoài nghi về đồng euro lên nắm quyền ở Pháp trong lúc tiến trình Anh rời EU (gọi tắt là Brexit) còn nhiều chông gai. Không có gì khó hiểu khi các nhà lãnh đạo ở châu Âu nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến ông Macron.

Nhiều thách thức chờ ông Macron - Ảnh 2.

Người ủng hộ ông Macron vui mừng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, tạp chí The New Yorker nhận định kết quả bầu cử Pháp không đồng nghĩa EU có thể huy động đủ sự ủng hộ cần thiết để tồn tại và phồn vinh trở lại. Những gì ông Macron ủng hộ - biên giới mở, tự do thương mại, lao động tự do di chuyển, mở cửa với người tị nạn - đều bị đe dọa bởi làn sóng dân túy đang trỗi dậy ở châu Âu thời gian qua.

Theo AP, bất chấp thất bại của phe cực hữu trong cuộc bầu cử ở Pháp, và trước đó là Áo và Hà Lan, trong 6 tháng qua, sức mạnh và ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu vẫn đang tăng.

Dù thua, bà Le Pen vẫn thu hút lượng phiếu bầu nhiều hơn 5,5 triệu phiếu so với cha mình, ông Jean-Marie Le Pen, trong cuộc bầu cử năm 2002. Còn tại Hà Lan, Đảng Vì tự do có quan điểm chống Hồi giáo, nhập cư và EU của ông Geert Wilders trở thành đảng lớn thứ 2 trong quốc hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 3 qua.

Theo một nghiên cứu của Trường Harvard Kennedy (Mỹ) năm 2016, tỉ lệ số ghế trong quốc hội và phiếu bầu của các đảng dân túy cánh hữu ở châu Âu tăng từ 6% trong thập niên 1960 lên 13% thập kỷ này. Các đảng dân túy cánh tả thậm chí còn có màn trình diễn tốt hơn, từ gần như không có gì lên tỉ lệ hơn 10% trong giai đoạn nói trên.


"Michelle Obama" của nước Pháp

Chiến thắng mang tính lịch sử của ông Macron, 39 tuổi, không chỉ mang lại cho nước Pháp một vị tổng thống (đắc cử) trẻ nhất từ trước đến nay mà Điện Élysée sẽ có một bà chủ khác lạ chưa từng thấy.

Sự khác lạ không chỉ dừng lại ở chuyện đệ nhất phu nhân tương lai Brigitte Trogneux hơn tổng thống đắc cử tới 25 tuổi và từng là cô giáo hướng dẫn kịch nghệ cho ông hồi trung học. Điều khiến nhiều người chú ý là vai trò quyền lực mà người phụ nữ 64 tuổi này sẽ nắm giữ. Theo lời ví von của các phụ tá ông Macron, bà sẽ là một Michelle Obama của nước Pháp. Vị tân tổng thống đắc cử đã tuyên bố ông sẽ lần đầu tiên định hình vai trò vốn quá mơ hồ của đệ nhất phu nhân Pháp và vạch rõ công việc chính thức cho bà Brigitte.

Vợ chồng ông Macron mừng chiến thắng đêm 7-5. Ảnh: Reuters

Vợ chồng ông Macron mừng chiến thắng đêm 7-5. Ảnh: Reuters

Là cố vấn chính trị thân cận nhất của ông Macron - theo nhận định của trang Quartz - bà Brigitte đã đồng hành với người đàn ông của cuộc đời mình trong suốt chiến dịch tranh cử, sắp xếp tất cả chương trình nghị sự, biên tập các bài phát biểu và tư vấn phong cách xuất hiện cực kỳ ấn tượng của ông. Ít ai biết khi ông Macron được đề bạt là Bộ trưởng Kinh tế trong chính quyền của Tổng thống Francois Hollande vào tháng 8-2014, bà Brigitte đã chủ động nghỉ dạy học một năm sau đó để giúp người chồng trẻ tuổi đầy tham vọng.

Ở Bộ Kinh tế, người phụ nữ có ảnh hưởng lớn tới tổng thống tương lai của nước Pháp xuất hiện một cách thầm lặng trong các cuộc họp. "Cô ấy dành nhiều thời gian ở đây bởi quan điểm của cô ấy rất quan trọng với tôi, bởi cô ấy mang lại một không khí rất khác biệt. Cuộc đời tôi ở đây, tôi không thể làm việc tốt nếu tôi không hạnh phúc" - ông Macron nói trong cuộc họp cuối cùng với các đồng nghiệp khi ông từ chức khỏi nội các của Tổng thống Hollande hồi tháng 8-2016 để theo đuổi con đường chính trị riêng.

Theo tờ The Washington Post, kể từ thời Napoléon, không ai lên làm lãnh đạo nước Pháp với tốc độ nhanh như ông Macron. Ai đó có thể gọi ông là "người ngoài cuộc" trên chính trường Pháp, thế nhưng đối với người dân nền kinh tế số 5 thế giới, người lãnh đạo được họ lựa chọn chính là một trong những nhân vật sáng giá nhất trong thế hệ của ông. Ngoài sự cuốn hút không thể thiếu, ở ông Macron còn hội tụ sự sáng suốt, mạnh mẽ, không tham nhũng, sáng tạo, trẻ trung và lạc quan.

Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo