Mỗi dữ kiện chính thức hoặc một cuộc thăm dò ý kiến về vấn đề cần bàn đều nhận được sự quan tâm, nghiền ngẫm giống nhau của cả phe chủ trương rời khỏi lẫn phe muốn ở lại EU.
Trong khi đó, dư luận lại dành ít sự chú ý hơn nhiều - điều có thể hiểu được - cho các sự kiện đang xảy ra với phần còn lại của EU, vốn nghèo nàn tin tức trong khoảng thời gian gần đây. Tâm trạng thất vọng của các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU - ngoài Anh - đối với Thủ tướng Anh Theresa May có nghĩa là châu Âu có nhiều vấn đề cần lưu tâm lúc này, Brexit không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất trong số đó.
Vấn đề lớn nhất của EU là mô hình kinh tế của khối này đã trở nên già nua cùng với dân số của họ. Châu Âu có nhiều công ty đẳng cấp thế giới nhưng - không giống như Mỹ - không công ty nào được hình thành trong vòng 25 năm qua. Vào thời đại vàng son của châu Âu, hãng xe Volkswagen (Đức) đã từng là đối thủ của hãng Ford (Mỹ) và Công ty Điện tử Siemens (Đức) có thể cạnh tranh trực tiếp với General Electric (Mỹ). Thế nhưng, châu Âu không có Google, Facebook hoặc Amazon và châu lục này cũng không góp mặt trong các công nghệ mới nổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo.
Trung Quốc đang đạt được bước tiến bộ nhanh chóng hơn châu Âu trong việc phát triển cỗ máy có thể tiếp thu kiến thức và nước này cũng có các công ty gây ra mối đe dọa đối với những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon của Mỹ. Đó là lý do vì sao Trung Quốc, chứ không phải châu Âu, là mục tiêu chính yếu trong cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Đức Ảnh: REUTERS
Khi các kế hoạch cho đồng euro được đưa ra cách đây 30 năm, người ta đã giả định rằng đồng tiền duy nhất sẽ làm cho thị trường chung này trở nên hiệu quả hơn và tạo ra sự tăng trưởng nhanh hơn. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Hiệu suất hoạt động của các quốc gia thuộc khu vực đồng euro đã trở nên tệ hại hơn chứ không tốt hơn dù rất nhiều vốn liếng chính trị được đầu tư vào dự án liên minh tiền tệ này.
Ba sự kiện xảy ra riêng rẽ trong tuần qua đã làm nổi bật mức độ của những thách thức về kinh tế mà châu Âu đang đối mặt. Trước hết, cuộc kiểm tra "sức khỏe" mới nhất đối với nền kinh tế khu vực đồng euro đã cho thấy tăng trưởng vẫn thường xuyên ở mức yếu. Nước Ý đang gánh chịu hậu quả từ cuộc suy thoái thứ năm của nước này trong vòng 2 thập kỷ, trong khi nền kinh tế Đức với xuất khẩu chiếm ưu thế đang bị tác động mạnh bởi tình trạng trì trệ của kinh tế toàn cầu. Nước Đức chỉ cải thiện được tình hình chút đỉnh trong nửa sau năm 2018 và đầu năm 2019. Khu vực đồng euro nói chung đang trên đà tăng trưởng 0,2% trong 3 tháng đầu năm nay, giữ nguyên như mức của 3 tháng cuối năm 2018.
Tỉ lệ tăng trưởng của khu vực đồng euro đã từng có thời kỳ ngắn tăng nhờ những "liều thuốc" kích thích mạnh từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, ảnh hưởng của tỉ lệ lãi suất bằng 0 và tiến trình tạo ra đồng tiền này vốn được biết đến là làm giảm số lượng nay đã không còn nữa. Giải pháp thực sự cho các vấn đề tăng trưởng của châu Âu là sửa chữa những thiếu sót về thiết kế trong liên minh tiền tệ - điều này tất nhiên phải làm kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính từ một thập kỷ trước.
Tình trạng thiếu sự hậu thuẫn về chính trị dành cho đồng tiền chung này từng là điều tai hại trong giai đoạn 2008-2009. Trong khi Mỹ và Anh đã nhanh chóng chuyển sang cắt giảm tỉ lệ lãi suất và áp dụng các chính sách tiền tệ trái với thông lệ, khu vực đồng euro lại mất nhiều thời gian hơn để tự chuyển động. Điều đó xảy ra một phần do bản chất siêu bảo thủ của ECB.
Từ đó, 2 hậu quả quan trọng đã xảy ra: Khu vực đồng euro mất thời gian lâu hơn nhiều để quay lại quỹ đạo tăng trưởng và các ngân hàng ở đây đã bị chồng chất những khoản nợ lớn không thể trả. Người Mỹ đã xã hội hóa các món nợ xấu của những ngân hàng lớn ở nước này, nhờ đó mà có thể tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu vẫn còn yếu và rất dễ trở thành nạn nhân của một cuộc suy sụp kinh tế khác. Đó là lý do vì sao sự kiện đáng kể thứ hai trong tuần qua chính là thông báo của 2 ngân hàng lớn nhất nước Đức, Deutsche và Commerzbank, rằng họ đang trong quá trình đàm phán hợp nhất.
Các ngân hàng ở Ý hiện còn tệ hại hơn Đức. Rome không có chính sách kiểm soát tiền tệ và nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng bằng cách giảm tình trạng thâm hụt ngân sách đã khiến các quy tắc tài chính cứng rắn của châu Âu thất bại. Tuần trước, chính phủ Ý thông báo họ sẽ là quốc gia EU đầu tiên tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Mong muốn này của Ý phản ánh sự liều lĩnh vực dậy nền kinh tế bằng mọi cách. Điều đó cũng phản ánh vị thế đã bị thu nhỏ của châu Âu trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn khu vực đồng euro có bộ trưởng tài chính riêng chịu trách nhiệm về chính sách thuế và chi tiêu cho khu vực. Thế nhưng, ông Macron cần sự ủng hộ của Đức, mà Thủ tướng Angela Merkel thì lại không nhiệt tình...
Bình luận (0)