Căn phòng không cửa sổ ngột ngạt tại một quận cũ ở TP Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có diện tích 15 m2 nhưng là nơi trú ngụ của 9 người đến từ Philippines. Trong số đó có 8 người lớn, họ làm việc quần quật với đồng lương rẻ mạt để có thể gửi tiền về cho gia đình.
Đánh đổi
Cư dân còn lại là cậu bé 6 tuổi tên Jerry. Cậu bé thích nhảy múa này chia sẻ chiếc giường rộng chưa đến 1 m với mẹ - cô Neng (tên của 2 mẹ con đã được thay đổi). Gian phòng đen tối bé nhỏ là nơi ở duy nhất Jerry biết đến trong khi bé sống một cuộc đời lẩn trốn của một đứa trẻ vô thừa nhận. Lớn lên không có tấm giấy khai sinh hoặc bất kỳ tờ giấy chứng nhận nào, có nghĩa là bé không được đi học và không bao giờ đến bác sĩ để khám bệnh. Chính thức mà nói, cậu bé này không hề tồn tại.
Cô Neng không phải là lao động nữ di cư duy nhất giấu kín đứa con ngoài giá thú vì sợ bị tù tại UAE. Theo báo The Guardian, trong số 9,4 triệu cư dân sinh sống ở UAE, khoảng 70% là lao động di cư lương thấp. Là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước này, họ thường làm việc trong ngành xây dựng hoặc bán lẻ, hoặc làm người giúp việc hay tài xế taxi.
Neng nằm trong số đó. Cách đây 1 thập kỷ, cô từ Philippines đến UAE để làm người giúp việc nhà nhưng đã bỏ trốn vì bị chủ ngược đãi. Không có việc làm, Neng mất hộ chiếu và phải sống bất hợp pháp. Sau đó, cô quen và chung sống với một người đàn ông. Tuy nhiên, người này đã đẩy cô ra đường sau khi cô mang thai.
Neng biết mình đã phạm luật pháp UAE lần thứ hai với việc mang thai ngoài giá thú. Theo luật Hồi giáo ở nước này, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là phạm pháp và đối mặt mức án 1 năm tù giam. Bác sĩ khi phát hiện một phụ nữ không chồng mà mang thai thì phải có nghĩa vụ trình báo với cảnh sát. Người phụ nữ này có thể bị tống giam hoặc trục xuất. Vì thế, một số phụ nữ chọn cách rời khỏi UAE trước khi bị lộ chuyện có thai.
Nhưng Neng đã chọn ở lại và giữ lại bào thai ngay cả khi không được tiếp cận các dịch vụ y tế. Cô sinh con tại căn hộ của người bạn với sự giúp đỡ của một bà đỡ tay ngang và không hề có thuốc giảm đau. Không thể tìm việc làm qua các kênh chính thức, cuối cùng Neng tìm được một chân giúp việc nhà và vú em cho một gia đình đồng hương Philippines, làm 10 giờ/ngày và 5 ngày/tuần.
Gia chủ biết cô là người cư trú bất hợp pháp nên chỉ trả cho mỗi tháng 1.000 AED (hơn 6,3 triệu đồng). Tiền thuê giường đã ngốn hết 500 AED nên 2 mẹ con phải sống chật vật ngày qua ngày. Đôi khi Neng còn gửi 190 AED về cho gia đình ở Zamboanga Sibugay, một trong những tỉnh nghèo nhất Philippines. Chính số tiền nhỏ nhoi đó đã đủ sức níu kéo cô ở lại Dubai. Đổi lại, tuổi thơ của bé Jerry bị bao phủ bởi khó khăn, lo lắng và bệnh tật.
Chị Neng và bé Jerry Ảnh: THE GUARDIAN
Mẹ nuôi bất đắc dĩ
Số liệu do Lãnh sự quán Philippines ở Dubai cung cấp cho thấy mỗi năm có mấy trăm lao động di cư, như Neng, quyết định lẩn trốn sau khi mang thai ngoài hôn nhân. Họ sợ mất việc bởi đó là phương cách duy nhất để phụ giúp gia đình ở quê nhà. Với họ, bị trục xuất cũng giống như hết đời.
Tệ hơn nữa, nhiều bà mẹ mới sinh con ngoài hôn nhân đã chọn phương án bỏ mặc con cho người khác chăm sóc vì sợ bị cảnh sát bắt cũng như không thể trông nom con được. Cô Joanna (không phải tên thật), một điều dưỡng người Philippines sinh sống ở Dubai 10 năm, là một người mẹ nuôi bất đắc dĩ như thế. Trong suốt 15 tháng qua, cô nuôi bé gái tên Rosamie, con của một trong những bạn cùng phòng trong khu vực al-Karama ở Dubai. Mẹ của bé đã bỏ đi sau khi sinh con và mất liên lạc đến giờ. "Thật khó khăn khi có một em bé chẳng có giấy tờ gì ở chung" - cô thổ lộ.
Bé Rosamie được hưởng sự chăm sóc y tế nhờ công việc của người mẹ nuôi. Nay bé đã biết nói và cả ca hát. "Tôi tự hào là mẹ của bé. Tôi luôn nói với bé tôi yêu bé rất nhiều. Tôi muốn bé có một tương lai bình thường chứ không như thế này" - chị Joanna bộc bạch.
Joanna biết rõ mình có thể ngồi tù vì nuôi một đứa bé không phải là con hợp pháp. Thế nhưng, cô không thể danh chính ngôn thuận nhận nuôi Rosamie vì chỉ người UAE mới được phép nhận con nuôi ở nước này. Không ít phụ nữ ở Dubai cũng rơi vào hoàn cảnh như Joanna: chăm sóc trẻ bị bỏ rơi.
Gần như không thể biết có bao nhiêu bà mẹ và con trẻ cùng chung hoàn cảnh như chị Neng và cậu bé Jerry trên khắp UAE. Mỗi tháng, khoảng 40 người mẹ cùng với những đứa con sinh ngoài giá thú tìm kiếm lời khuyên cũng như sự trợ giúp ở Lãnh sự quán Philippines tại Dubai và Đại sứ quán Philippines tại Abu Dhabi. Tuy nhiên, số liệu trên chỉ là phần nổi của thực trạng những người mẹ đang lẩn trốn ở nước này cùng với con của họ.
Hiện tại, các buồng giam trẻ em trong các nhà tù ở Dubai đã đầy nghẹt bởi nhiều bà mẹ ra trình diện để có thể rời khỏi nước này sau khi thi hành án tù. Điều này đang gây ra tình trạng tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết xong.
Thế nhưng, đã có những tín hiệu hy vọng cho các gia đình này. Quỹ Phụ nữ và Trẻ em Dubai, một tổ chức từ thiện của chính phủ, cũng tham gia chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi hoặc mồ côi và đã liên lạc được với nhiều trường hợp bà mẹ có con ngoài giá thú - theo bà Ghanima Hassan al-Bahri, Giám đốc chăm sóc và dịch vụ xã hội của quỹ. Với những trường hợp này, tòa án đã đối xử linh động và bà mẹ không bị phạt tù.
Bình luận (0)