Tháng 4-2016, thẩm phán liên bang TP New Orleans - Mỹ, ông Carl Barbier, đã thông qua mức phạt lên đến 20 tỉ USD đối với Tập đoàn Dầu khí BP của Anh để giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico năm 2010. Đây là thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nhuộm đen đại dương
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, mức phạt kỷ lục nêu trên được ghi nhận là khoản bồi thường vì thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, trong đó bao gồm 5,5 tỉ USD theo Đạo luật Vùng biển sạch. Số còn lại để khắc phục hậu quả đối với môi trường và bồi thường cho 5 bang chịu ảnh hưởng nhiều nhất cùng chính quyền địa phương.
Thảm họa bắt nguồn từ một vụ nổ trên giàn khoan Deepwater Horizon ngoài khơi nước Mỹ khiến 11 người thiệt mạng và 134 triệu gallon dầu chảy vào vùng biển vịnh Mexico, tấn công bờ biển các bang miền Nam. Gã khổng lồ dầu khí của Anh đã phải vật lộn suốt 87 ngày mới có thể lấp giếng dầu “tội đồ” sâu khoảng 1,5 km ở gần bờ biển bang Louisiana.
Các bãi biển bị nhuộm đen trải dài trên 5 bang chịu ảnh hưởng của nước Mỹ, mang lại cơn ác mộng dai dẳng cho ngành du lịch và nghề cá trong khu vực. Theo nghiên cứu mới nhất được Cục Quản lý năng lượng đại dương của Mỹ công bố cuối tháng 6 vừa qua, thảm họa này đã khiến nền công nghiệp cá của vịnh Mexico thiệt hại ít nhất 94,7 triệu USD trong vòng 8 tháng sau đó.
Đến nay, hơn 500 triệu lít dầu rò rỉ khỏi giếng khoan lan rộng gần 70.000 km vẫn còn ảnh hưởng tới động vật hoang dã trong vùng. Tính đến năm 2015, hơn 1.100 con cá heo và cá voi mắc cạn được cho là hậu quả từ vụ tràn dầu, trong khi hàng trăm ngàn con rùa biển cũng phải vật lộn với bi kịch.
Thảm họa khủng khiếp này khiến tổ chức bảo vệ môi trường của Đức Ethecon không khó tìm ra chủ nhân xứng đáng nhất của giải “Hành tinh đen” trong năm 2010.
Theo thẩm phán Barbier, sự cẩu thả chết người của BP đã gây ra hậu họa khôn lường. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho rằng BP đã nhận hình phạt đích đáng, phải bồi thường nghiêm túc cho những thiệt hại gây ra đối với môi trường cũng như kinh tế của khu vực vịnh Mexico. Trước đó, BP ước tính chi phí xử lý vụ tràn dầu này, bao gồm các hoạt động dọn dẹp ban đầu cùng hàng loạt khoản bồi thường, lên tới khoảng 53 tỉ USD.
Phán quyết cuối cùng của ông Barbier được coi là điểm dừng cho “một chương dài và buồn về vấn đề môi trường trong lịch sử nước Mỹ” - theo giáo sư luật David Uhlmann thuộc Đại học Michigan. “Câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu chúng ta đã có đủ bài học từ bi kịch này để ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai?” - vị giáo sư từng là cựu lãnh đạo bộ phận chống tội ác môi trường của Bộ Tư pháp Mỹ băn khoăn.
Tương lai mờ mịt
Theo báo The Guardian (Anh), phía BP đã mong mỏi ngã ngũ câu chuyện bồi thường này càng sớm càng tốt. Khi mức phạt dàn xếp bồi thường nêu trên được thông báo lần đầu tiên hồi tháng 7-2015, Giám đốc điều hành (CEO) của BP, ông Bob Dudley, đã gọi đó là “bước tiến mang tính cột mốc”. “Mức phạt (20 tỉ USD) là một con số lớn nhưng từ nay, chúng tôi đã có thể lên kế hoạch cho tương lai, một trạng thái mà chúng tôi không thể có được trong 5 năm qua” - vị CEO chia sẻ.
Tuy nhiên, tương lai đang mờ mịt hơn bao giờ hết đối với tập đoàn “đắc tội” với môi trường này. Tháng 2-2016, BP đã công bố con số thua lỗ thường niên lớn nhất trong vòng ít nhất 20 năm nay. BP mất 6,3 tỉ USD/quý trong vòng gần 1 năm qua. Họ dự định cắt giảm 3.000 việc làm trên toàn thế giới vào cuối năm 2017 ở những lĩnh vực đang đi xuống, trong đó có lọc dầu, tiếp thị và phân phối. Năm ngoái, BP cũng đã thông báo cắt giảm 4.000 nhân viên giữa lúc giá dầu trượt dốc không phanh.
Rắc rối vẫn chưa chấm dứt với tập đoàn kinh doanh “vàng đen” đình đám này. BP còn phải tiếp tục đối mặt những vụ kiện khác liên quan tới thảm họa tràn dầu, lần này ở Mexico. Tháng 12-2015, tổ chức các luật sư chuyên về thảm họa môi trường Sinaloa Class Actions đã đâm đơn kiện BP, đòi xử lý hậu quả cho hàng trăm cộng đồng sống dựa vào nghề đánh bắt cá và dịch vụ du lịch bị tác động vì dầu tràn loang tới bờ biển của Mexico.
Exxon Mobil cũng liên tục đền bù
Không liên quan tới bất cứ sự cố nào như BP nhưng tập đoàn dầu khí khổng lồ Exxon Mobil (EM - Mỹ) cũng hầu tòa triền miên và liên tục móc hầu bao đền bù vì gây họa cho môi trường. Tháng 5 vừa qua, Tòa án Tối cao Mỹ đã thẳng tay từ chối đơn kháng cáo của EM đối với phán quyết họ bị phạt 236 triệu USD vì gây ô nhiễm tại bang New Hampshire được đưa ra năm 2013.
Theo hãng thông tấn AP, sự quả quyết của Tòa án Tối cao đồng nghĩa với việc bang New Hampshire có một bước tiến lớn tới gần hơn khoản bồi thường mà EM phải chi trả để làm sạch nguồn nước ngầm bị ô nhiễm bởi một chất phụ gia dầu hỏa. Chất phụ gia này được xác định là MTBE, từng được dùng những năm 1970 để giảm lượng khói độc do xe cộ thải ra.
Ngoài EM, New Hampshire còn khởi kiện hơn 20 công ty khác cũng với cáo buộc gây ra tình trạng nguồn nước ngầm nhiễm chất MTBE. Tuy nhiên, phán quyết chống lại EM gây nhiều chú ý hơn cả bởi nó được đưa ra sau một thập kỷ kiện tụng không ngừng.
Trong một vụ kiện khác cũng liên quan tới MTBE, bồi thẩm đoàn ở New Jersey năm 2015 đã thông qua mức bồi thường 225 triệu USD được dàn xếp giữa EM và bang này vì mức độ ô nhiễm quá mức cho phép quanh những điểm lọc dầu của đại gia dầu khí Mỹ. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng khoản bồi thường cần thiết phải là 8,9 tỉ USD mới có thể khắc phục được nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị hủy hoại thuộc khu vực lọc dầu của EM trước đây tại TP Bayonne và Linden, bang New Jersey.
Tòa án Tối cao Mỹ năm 2014 cũng từng tuyên bố không bác bỏ phán quyết phạt EM 105 triệu USD vì làm ô nhiễm nguồn nước ở TP New York. Từ đó, các bang Pennsylvania và Vermont cũng đâm đơn kiện EM sử dụng MTBE khiến nguồn nước ngầm địa phương ô nhiễm lan rộng.
Kỳ tới: Cá nhiễm độc gây bệnh lạ
Bình luận (0)