Trong khi khỏa thân nơi công cộng trong văn hóa Mỹ bị xem là khiêu dâm thì tại Đức, việc cởi bỏ trang phục trong 1 số hoạt động thường ngày không phải là điều hiếm gặp. Người Đức có thể khỏa thân khi xông hơi, massage hay ngay ở hồ bơi công cộng.
Tuy nhiên, đây không phải là 1 phần của chủ nghĩa khoái lạc mà là 1 ví dụ về "Freikörperkultur" (FKK), nghĩa là "văn hóa tự do thân thể". Trước đó, chủ nghĩa khỏa thân, với tính chất là 1 hoạt động công cộng tại Đức, đã bắt nguồn từ cuối thế kỷ XIX. Và không chỉ đơn giản như hành động cởi áo ở 1 bãi biển tại Tây Ban Nha, FKK bao hàm 1 phong trào rộng lớn hơn tại Đức với tinh thần độc đáo. Về mặt lịch sử, việc bày tỏ bản thể với thế giới tự nhiên vừa là sự bền bỉ vừa là sự khuây khỏa.
"Chủ nghĩa khỏa thân có 1 truyền thống lâu dài ở Đức" - ông Arnd Bauerkämper, giáo sư môn lịch sử hiện đại tại Trường ĐH Freie ở Berlin, cho biết. Vào đầu thế kỷ XX, "cải cách cuộc sống", một triết lý ủng hộ thực phẩm hữu cơ, tự do tình dục, y học thay thế và sự gần gũi với thiên nhiên, ra đời. "Chủ nghĩa khỏa thân là 1 phần của phong trào rộng lớn này, chống lại sự hiện đại hóa công nghiệp lẫn xã hội mới vừa xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX" - ông Bauerkämper nói.
Không khó để bắt gặp những người khỏa thân tắm nắng ở thủ đô Berlin và các thành phố lớn. Ảnh: Alamy
Theo ông Hanno Hochmuth, nhà sử học tại Trung tâm Lịch sử đương đại Leibniz ở TP Postdam, phong trào cải cách này đặc biệt phổ biến ở các thành phố lớn, bao gồm Berlin, dù nó thể hiện sự lãng mạn của lối sống làng quê. Trong Thời kỳ Weimar (1918-1933), các bãi biển FKK với "1 số rất, rất nhỏ những người thích tắm nắng thuộc giai cấp tư sản" đã mọc lên. Theo ông Bauerkämper, người dân Đức lúc này "đang có cảm giác tự do mới sau xã hội độc tài và các giá trị bảo thủ ngột ngạt của Đế quốc Đức (1871-1918)".
Vào năm 1926, ông Alfred Koch thành lập Trường Khỏa thân Berlin để khuyến khích các hoạt động khỏa thân có cả 2 giới, nối tiếp quan niệm rằng "nuy" ngoài trời thúc đẩy sự hòa hợp với thiên nhiên và mang lại lợi ích về sức khỏe. Trong khi hệ tư tưởng của Đức Quốc Xã ban đầu nghiêm cấm FKK và xem nó là sự vô đạo đức thì đến năm 1942, Đệ Tam Đế chế đã nới lỏng các hạn chế về khỏa thân nơi công cộng. Dĩ nhiên, sự khoan dung này không được áp dụng với nhóm người bị Đức Quốc Xã đàn áp như người Do Thái.
Văn hóa "tự do thân thể" xuất hiện ở nhiều bãi biển, khu cắm trại và công viên trên khắp nước Đức. Ảnh: Alamy
Tuy nhiên, phải đến vài thập kỷ sau sự phân chia Đông - Tây của Đức thời hậu chiến, FKK mới thật sự bùng nổ, đặc biệt là ở Đông Đức trước đây. Hoạt động khỏa thân cũng không còn chỉ giới hạn ở tầng lớp tư sản. Giáo sư Bauerkämper cho rằng đối với người Đức sống ở Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR), nơi mà việc đi lại và buôn bán hàng tiêu dùng còn bị hạn chế, FKK phần nào đó giống như "van an toàn" hay 1 cách để giải tỏa căng thẳng.
Ông Hochmuth, người từng đến các bãi biển khỏa thân cùng cha mẹ từ khi còn là 1 đứa trẻ, cũng đồng tình với nhận định trên. "Khỏa thân mang lại cảm giác thoát ly" - ông Hochmuth cho biết.
Vào những năm đầu của GDR, người dân vẫn phải cẩn thận né tránh cảnh sát tuần tra khi tắm khỏa thân. Đến khi ông Erich Honecker lên nắm quyền vào năm 1971, FKK mới chính thức được cho phép trở lại. Theo ông Bauerkämper, dưới thời ông Honecker, GDR bắt đầu quá trình mở cửa các chính sách đối ngoại và đối nội, một chiến lược để giúp chiếm được cảm tình của thế giới bên ngoài.
FKK phát triển mạnh ở Đông Đức. Ảnh: Alamy
Kể từ khi Đông Đức hợp nhất với Tây Đức vào năm 1990 và các hạn chế được dỡ bỏ ở nhà nước cũ, văn hóa FKK suy thoái dần. Vào những năm 1970 và 1980, hàng trăm ngàn người theo chủ nghĩa khỏa thân tập trung đông đúc ở các điểm cắm trại, bãi biển và công viên. Đến năm 2019, Hiệp hội Văn hóa cơ thể tự do của Đức chỉ ghi nhận hơn 30.000 thành viên đã đăng ký, trong đó có nhiều người ở độ tuổi 50 và 60.
Dù vậy, đến nay, FKK vẫn tiếp tục để lại dấu ấn trong văn hóa Đức, đặc biệt là ở vùng phía Đông. Đôi khi nó còn được đưa tin rầm rộ, ví dụ như 1 người đàn ông khỏa thân trong khu vực dành riêng cho FKK buộc phải đuổi theo 1 con heo rừng đánh cắp chiếc túi đựng laptop của ông ta.
Trên thực tế, FKK và truyền thống khỏa thân lâu đời của Đức đã để lại ảnh hưởng sâu rộng trên khắp đất nước, nhất là những nơi cho phép không mặc quần áo và khỏa thân vì sức khỏe. Những không gian FKK có thể được tìm thấy dễ dàng và thường gắn liền với nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Vào những năm 1970 và 1980, chính phủ Đông Đức cho phép người dân thực hiện FKK như 1 cách để thể hiện sự cởi mở với thế giới. Ảnh: Alamy
Theo nhiều cách, di sản FKK mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc về các giá trị vẫn gắn kết nhiều người dân Đông Đức. Đối với bà Sylva Sternkopf, người lớn lên tại các bãi biển FKK ở Đông Đức, văn hóa tự do thân thể vừa phản ánh, vừa truyền đạt những giá trị nhất định mà bà tiếp tục truyền lại cho con cái của mình, đặc biệt là tư tưởng cởi mở đối với cơ thể của chính họ.
Đối với bà Sternkopf, ngắm nhìn những cơ thể khỏa thân một cách không khiêu dâm cũng giúp chúng ta học cách nhìn nhận người khác không vì vẻ ngoài của họ. Bằng cách phơi bày tất cả, chúng ta có thể nhận ra bản chất của mỗi cá nhân 1 cách dễ dàng hơn.
"Nếu quen nhìn thấy những người khác khỏa thân, bạn sẽ không để tâm nhiều đến vẻ ngoài. Tôi nghĩ đây là điều phổ biến hơn ở Đông Đức nói chung: chúng tôi cố gắng đánh giá mọi người bằng những điều bên trong chứ không phải qua vẻ bề ngoài" - bà Sternkopf cho biết.
Bình luận (0)