Năm 2017, số người vô gia cư tại Mỹ lần đầu tiên tăng kể từ thời kỳ Đại suy thoái (đầu những năm 2010), chủ yếu là do cuộc khủng hoảng nhà ở gây điên đảo khu vực bờ biển phía Tây.
Nghịch cảnh
Báo cáo thường niên từ Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Mỹ công bố hôm 6-12 cho thấy gần 554.000 người lâm vào cảnh không nhà trên khắp đất nước cờ hoa, tăng 0,7% so với năm 2016. Trong đó, có tới 193.000 người không thể tìm được một nơi trú tạm qua đêm. Họ phải vạ vật trên đường phố hoặc tá túc tạm bợ những nơi không được coi là nơi trú ngụ như xe hơi, lều tạm…
Riêng số người này đã tăng hơn 9% so với 2 năm trước đó. Tình trạng tồi tệ nhất rơi vào một số thành phố ở bờ Tây, nơi sự bùng nổ người vô gia cư đã khiến ít nhất chính quyền 10 thành phố và hạt phải ban bố tình trạng khẩn cấp từ năm 2015.
Trớ thêu thay, nạn nhân của cuộc khủng hoảng người vô gia cư với tỉ lệ chưa từng có nêu trên là người bị bỏ lại phía sau bởi chính những điều đã mang lại thành công nổi bật cho vùng đất này: chi phí nhà ở tăng cao, phòng cho thuê đặc kín khách và sự phát triển kinh tế bùng nổ không chờ đợi ai.
Giá thuê nhà đang tăng cao ngoài sức chịu đựng của nhiều người lao động thu nhập thấp. Chỉ vài năm trước, với mức thu nhập dù khiêm tốn, họ vẫn có thể tìm được một nơi trú thân. Hiện nay, thậm chí một biến cố nhất thời ập tới cũng đủ để đẩy người ta ra đường. Đối với giới chức lãnh đạo các địa phương ở bờ Tây, ngay khi trúng cử, họ đã bắt đầu công cuộc lăn lộn tìm giải pháp cho vấn đề đau đầu này.
"Thành phố của tôi không có người thất nghiệp nào nhưng vẫn còn hàng ngàn người không có nhà cửa. Thực tế, họ vẫn đang làm việc, chỉ là không kham nổi một chỗ ở" - Ủy viên Hội đồng TP Seattle Mike O’Brien ngậm ngùi. Theo ông, người vô gia cư không có nơi nào để tới. Mỗi khi chính quyền địa phương mở một nơi ở mới, nơi đó lập tức kín chỗ!
Số người vô gia cư gia tăng cũng phơi bày bộ mặt nghèo khó với mức độ chưa từng thấy ở nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sự gia tăng đột biến của cư dân đường phố cũng khiến sức khỏe cộng đồng đối mặt nhiều nguy cơ, trong lúc buộc chính quyền nhiều địa phương tiêu tốn hàng triệu USD, thậm chí hàng tỉ USD, để tìm giải pháp.
Cặp đôi vô gia cư trẻ tuổi ngủ trên lề đường ở TP Portland, bang Oregon - Mỹ Ảnh: AP
Ưu tiên học hành
Hậu quả đáng lo nhất của cuộc khủng hoảng người vô gia cư ở bờ Tây là sự bùng phát bệnh viêm gan A chết người tại các thành phố Los Angeles, Santa Cruz và San Diego - những điểm đến thu hút nhiều du khách, buộc bang California ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 10.
Theo hãng tin AP, TP San Diego đang phải ra quân tẩy rửa lề đường để ngăn chặn bùng phát loại dịch bệnh vốn lây lan qua virus hủy hoại gan - thường theo chất thải người bệnh ra môi trường bên ngoài. Ở TP Anaheim, bang California, mỗi khi đêm xuống lại có khoảng 400 người vô gia cư ngủ vạ vật dọc đường dành cho xe đạp bên mé sân vận động Angel.
Trong khi đó, các nhà tổ chức một lễ hội ẩm thực ngoài trời ở Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon, vừa rồi đã phải đốt nhang để át mùi nước tiểu từ bãi giữ xe bên cạnh - nơi những người vô gia cư dập dìu bán hàng rong.
Không ở đâu mà nghịch cảnh của người vô gia cư rõ nét hơn Thung lũng Silicon ở California. Thiên đường công nghệ mang lại những mức lương "trên trời" đáng mơ ước nhưng cũng là nơi thị trường nhà ở cực kỳ khan hiếm đã đẩy giá thuê nhà khỏi tầm với của hàng ngàn người. Những cộng đồng vô gia cư thường xuyên phải di chuyển.
Những ngôi nhà lưu động hay đơn giản là những chiếc xe hơi cá nhân túm tụm hàng tá ngay trong thành phố mà Google xây dựng trụ sở toàn cầu của mình và chỉ cách Trường ĐH Stanford lừng danh vài khu nhà.
Là một giảng viên Trường ĐH bang San Jose nhưng Ellen Tara James-Penney đã phải tá túc trên chiếc xe cũ của mình gần cả thập kỷ qua, kể từ khi cô mất nơi ở lúc là sinh viên năm cuối của trường. Công việc này mang lại cho cô thu nhập 28.000 USD/năm. "Về cơ bản, tôi đã là người vô gia cư từ năm 2007 và tôi thực sự mệt mỏi lắm rồi" - nữ giảng viên bày tỏ.
Thực ra, cuộc đời có thể không bi đát tới vậy đối với James-Penney nếu lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao mà cô khởi đầu sự nghiệp không đi xuống đột ngột vào đầu những năm 2000. Mất việc, cũng giống như nhiều người không thể tìm kiếm một công việc khác, cô đi học trở lại và khoản tiền nợ sinh viên qua nhiều năm tích tụ lên tới hàng chục ngàn USD. Nay ở vào tuổi 54, nữ giảng viên không nhà hằng ngày chấm bài cho sinh viên và chuẩn bị bài vở lên lớp trong chiếc xe tồi tàn của mình.
Chi phí nhà ở tăng cao không chỉ ảnh hưởng tới người thu nhập thấp. Thực tế là số người trẻ tuổi phải lang thang đường phố cũng đang gia tăng. Một số liệu gần đây ở TP Los Angeles cho thấy nhóm người vô gia cư tăng nhanh nhất ở lứa tuổi 18-24, tới 64%, ngay sau đó là nhóm dưới 18 tuổi.
Bên cạnh chuyện chi phí nhà ở, học phí cũng là một trong những lý do quan trọng của hiện tượng này, theo chuyên gia giám sát chính sách Will Lehman tại Sở Dịch vụ người vô gia cư Los Angeles. "Họ có thể trang trải được chi phí sách vở, học tập, chỉ là không thể đủ tiền cho một căn hộ. Họ chọn ưu tiên cho việc học" - ông Lehman cho biết.
Bình luận (0)