xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những "nhân chứng" không ngờ

XUÂN MAI

Con người đang bước vào thời kỳ "giám sát bằng cảm biến" khi một thiết bị thông minh nào đó theo dõi cuộc sống của họ trong phần lớn thời gian

Hai ngày trước Giáng sinh năm 2015, cảnh sát tìm thấy ông Richard Dabate nằm trên sàn bếp tại nhà ở thị trấn Ellington, bang Connecticut - Mỹ, không lâu sau khi ông ta gọi số điện thoại khẩn cấp.

Thiết bị thông minh phản chủ

Người đàn ông 41 tuổi khai với cảnh sát rằng một kẻ đột nhập che mặt đã giết chết vợ ông, bà Connie và tra tấn ông. Cảnh sát đã lục soát ngôi nhà và cả thị trấn nhưng vẫn không tìm ra dấu vết nghi phạm.

Do không có nhân chứng nào khác ngoài ông Richard Dabate, các nhà điều tra buộc phải chuyển hướng sang thu thập dữ liệu từ các thiết bị điện tử và bộ cảm biến. Nhờ vậy, họ phát hiện bằng chứng quan trọng từ một nguồn bất ngờ: thiết bị Fitbit theo dõi chuyển động của bà Connie. Dữ liệu từ thiết bị cho thấy bà Connie vẫn còn di chuyển gần 1 giờ sau thời điểm 9 giờ 10 phút (giờ địa phương), trong khi ông Dabate nói vợ mình bị giết trước lúc đó.

Những nhân chứng không ngờ - Ảnh 1.

Richard Dabate (giữa) bị buộc tội giết vợ Ảnh: AP

Nhân viên điều tra còn xem xét những dữ liệu đến từ nhiều nguồn khác, như hệ thống báo động thông minh của ngôi nhà, thông điệp trên mạng xã hội Facebook, điện thoại di động, email… Nhờ vậy, họ có thể dựng lại hiện trường vụ việc vào buổi sáng 23-12-2015, qua đó cho thấy những lời khai của ông Dabate toàn là bịa đặt.

Chẳng hạn, việc kiểm tra tài khoản email và hệ thống báo động của ngôi nhà dẫn đến nghi ngờ ông Dabate không hề rời nhà như đã khai. Trước đó, người đàn ông này nói mình đang trên đường lái xe đi làm thì nhận được tin nhắn trên điện thoại rằng hệ thống báo động của ngôi nhà được kích hoạt nên gửi email cho sếp rồi quay về. Đến tháng 4-2017, Dabate bị bắt và bị buộc tội giết vợ nhưng không nhận.

Vụ án nêu trên có lẽ là một trong những ví dụ rõ nhất cho thấy các thiết bị thông minh được kết nối internet và có khả năng thu thập dữ liệu đang tác động ra sao đến hoạt động điều tra tội phạm. Chúng có thể trở thành "nhân chứng", lưu giữ thông tin về mọi cử động hoặc dữ liệu sinh trắc học. Chúng thỉnh thoảng còn lắng nghe hoặc quan sát chúng ta ngay bên trong ngôi nhà của mình. Do đó, các nhà điều tra đang ngày càng để mắt nhiều đến những thiết bị này trong nỗ lực tìm manh mối của vụ án.

Mất sự riêng tư

Những nhà hoạt động cho sự riêng tư không khỏi lo lắng khi nhiều người tiêu dùng không hề biết các thiết bị này đang thu thập thông tin liên quan đến mình. Họ cũng chỉ ra rằng hiện chưa có nhiều luật lệ quy định các quan chức thực thi pháp luật thu thập dữ liệu từ thiết bị thông minh ra sao. Ông Andrew Ferguson, giáo sư luật của Trường ĐH quận Columbia (Mỹ), nhận định với tờ The Washington Post rằng con người đang bước vào thời kỳ "giám sát bằng cảm biến" khi một thiết bị nào đó theo dõi cuộc sống của họ trong phần lớn thời gian.

Công ty Nghiên cứu thị trường Gartner (Mỹ) ước tính có 8,4 tỉ thiết bị được kết nối internet vào năm 2017, tăng 31% so với năm trước đó. Đến năm 2020, công ty này ước tính trung bình mỗi người trên thế giới sẽ sử dụng khoảng 3 thiết bị thông minh.

"Người Mỹ bắt đầu đối mặt thực tế thiết bị thông minh đang "chỉ điểm" họ. Những thiết bị này cũng tiết lộ các chi tiết riêng tư về cuộc sống mà họ không mong muốn lực lượng thực thi pháp luật có được chúng" - ông Ferguson nhận định.

Hiện vẫn chưa có nhiều vụ án đòi hỏi giới chức thực thi pháp luật kiểm tra thiết bị thông minh để điều tra như vụ ông Dabate. Hồi tháng 9-2016, một người đàn ông ở bang Ohio nói với nhà chức trách ông tỉnh giấc thì phát hiện ngôi nhà của mình bốc cháy. Thế nhưng, cảnh sát nhanh chóng nghi ngờ người này tự đốt nhà nên xin lệnh kiểm tra dữ liệu từ máy trợ tim của ông ta. Các nhà chức trách sau đó cho biết những gì thu thập được về nhịp tim cho thấy ông ta đang thức vào thời điểm nói mình ngủ. Nghi phạm này bị buộc tội phóng hỏa và gian lận bảo hiểm.

Ông Robert Brown, chuyên gia Đơn vị Công nghệ cao thuộc Sở Cảnh sát bang Virginia - Mỹ, dự báo thiết bị thông minh sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong các cuộc điều tra thời gian tới. "Chắc chắn trong 5 hoặc 10 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu xem liệu có thể khai thác gì từ thiết bị thông minh hay không trong bất kỳ vụ án nào" - ông Brown nói.

Tập đoàn Thương mại điện tử Amazon và Công ty Fitbit (đều của Mỹ) tuyên bố không tiết lộ thông tin của khách hàng cho các cơ quan chức năng nếu không có yêu cầu hợp pháp. Tuy nhiên, cả 2 công ty từ chối cho biết đã nhận bao nhiêu yêu cầu như thế từ lực lượng thực thi pháp luật.

Theo GS Ferguson, một vụ việc đang được Tòa án Tối cao Mỹ xem xét có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ tìm kiếm dữ liệu trong thiết bị thông minh của lực lượng thực thi pháp luật. Vào năm 2011, các nhà điều tra một vụ cướp ở TP Detroit đã thu thập dữ liệu vị trí trong nhiều tháng trên điện thoại di động của nghi phạm tên Timothy Carpenter mà không có lệnh của tòa. Tên này sau đó bị kết án, một phần do thông tin thu thập được từ các công ty điện thoại di động.

Trong đơn kháng cáo, Carpenter lập luận rằng dữ liệu địa điểm trên điện thoại di động quá mạnh nên cần được Hiến pháp bảo vệ và cảnh sát phải xin lệnh tòa án nếu muốn có chúng. Ông Ferguson cho rằng một phán quyết bất lợi với Carpenter có thể mở đường cho nhà chức trách tìm kiếm dữ liệu của thiết bị thông minh được lưu trữ trên máy chủ của công ty mà không cần lệnh khám xét. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo