Những cái tên nổi bật liên quan tới cuộc biểu tình này đang trở thành tâm điểm chú ý, trong đó có cả đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh và chính quyền Bắc Kinh.
Benny Tai
Vị Tiến sĩ chuyên về mảng luật Hiến pháp tại Đại học Hồng Kông đã trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau khi bài báo “Bất tuân dân sự, loại vũ khí nguy hiểm nhất” của ông được đăng tải ngày 16-1-2014. Trong bài báo, ông Tai vạch ra kế hoạch thúc đẩy “nền dân chủ thực sự” cho Hồng Kông.
Cùng với một số nhà hoạt động khác, bao gồm viện sĩ Chan Kin Man và mục sư Chu Yiu Ming, ông Tai công bố phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” với ước tính ban đầu khoảng 10.000 người dân sẽ tham gia, mục đích làm suy yếu khu tài chính của Hồng Kông để gây áp lực lên chính quyền đặc khu.
Nhiều đảng phái chính trị ủng hộ dân chủ của Hồng Kông cũng tham gia phong trào. Một cuộc thăm dò hồi tháng 6 vừa qua cho thấy gần 800.000 người dân trên bán đảo bỏ phiếu tán thành mô hình dân chủ mà họ hằng mong muốn, thách thức chính quyền Bắc Kinh.
Joshua Wong
Ít ai nghĩ rằng cậu thiếu niên 17 tuổi gầy gò, mang kính gọng đen Joshua Wong lại là thủ lĩnh phong trào sinh viên Scholarism, từng dẫn đầu cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi tháng 1-2014 nhằm vận động quyền đề cử ứng viên đặc khu của người dân Hồng Kông vào năm 2017 tới.
Kể từ lúc mới 15 tuổi, Wong đã thành công trong một chiến dịch mà cậu dẫn đầu, buộc chính quyền thành phố phải ngưng giới thiệu chương trình giáo dục quốc dân do Bắc Kinh lựa chọn vào các trường công lập trên bán đảo.
Hiện đã 17 tuổi và có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc biểu tình, Wong đề ra mục tiêu lớn hơn, đó là chống lại Bắc Kinh để đấu tranh cho nền dân chủ hoàn toàn của Hồng Kông. Wong được xem là đại diện ưu tú cho một nhóm sinh viên có hiểu biết sâu rộng về các vấn đề xã hội, những người đã nổi lên như một lực lượng chính trị và xã hội mạnh mẽ trong thành phố.
Lương Chấn Anh
Mặc dù đương chức đặc khu trưởng Hồng Kông nhưng ông Lương lại bác bỏ yêu cầu cải cách Hiến pháp của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nhằm giúp Hồng Kông có thêm quyền lựa chọn về các vấn đề trọng đại của thành phố và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Lương nhắc lại Hồng Kông chấp nhận theo con đường “một quốc gia, hai chế độ” nên việc bổ nhiệm đặc khu trưởng phải có sự can dự của chính quyền Bắc Kinh. Việc khởi động quá trình cải cách Hiến pháp sẽ mất một khoảng thời gian dài và ông Lương cho rằng Hồng Kông sẽ không thể ban hành pháp luật cần thiết vào năm 2017.
Bắc Kinh
Trung Quốc bảo vệ quyết định thành lập ủy ban bầu cử đề ra các ứng viên tiềm năng cho chức vụ trưởng đặc khu Hồng Kông năm 2017. Ông Li Fei, Phó Tổng thư ký cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc cho biết các nguyên tắc đề cử giúp “giữ vững sự ổn định của Hồng Kông trong hiện tại và tương lai”.
Bắc Kinh trước đó cũng lên án các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý không chính thức của phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” là một “trò hề”. Chính phủ Trung Quốc tin rằng các nhà chức trách Hồng Kông có thể xử lý ổn thỏa các cuộc biểu tình dựa trên quy định của pháp luật.
Báo cáo của Tân Hoa Xã còn khẳng định “Bắc Kinh kiên quyết phản đối các hoạt động bất hợp pháp có thể làm suy yếu luật pháp và gây nguy hiểm cho trật tự xã hội, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Hồng Kông”.
Bình luận (0)