Họ cuống cuồng tìm được cái thứ 3 còn chạy nhưng đau đớn thay, đó lại là nơi bé Kenan nhỏ thó quấn trong mảnh vải đỏ trút hơi thở cuối cùng. "Không có ôxy và không ai giúp đỡ" - một người bà của Kenan tên Um Mohammed Zaid nhìn đứa cháu yểu mệnh thổn thức. Càng xót xa hơn khi anh em sinh đôi của Kenan mất trước đó một ngày!
Tính tới khi Kenan qua đời, đã 24 giờ kể từ khi bác sĩ cuối cùng có mặt tại bệnh viện, theo phóng viên báo Washington Post (Mỹ). Một ngày trước, một bác sĩ bị đánh đập trong lúc tranh cãi với các tay súng canh gác bệnh viện. Kết quả, hầu hết trong số hơn 70 bác sĩ và bác sĩ tập sự rời bệnh viện đình công.
Yemen rơi vào nội chiến sau những bất ổn mà các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập vào năm 2011 để lại. Phiến quân Houthi đẩy chính phủ Yemen chạy khỏi thủ đô Sanaa. Một liên quân khu vực do Ả Rập Saudi dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn tham chiến để khôi phục chính phủ Yemen và ngăn cản ảnh hưởng của Iran - được cho là đứng sau Houthi.
Bom đạn liên miên đẩy Yemen vào cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Liên Hiệp Quốc mô tả là "tồi tệ nhất thế giới". Hơn 22 triệu người (tức 75% dân số Yemen) cần cứu giúp, hơn 1/3 dân số có nguy cơ chết đói trong khi hàng ngàn người bỏ mạng vì những căn bệnh có thể chữa được (như dịch tả, viêm màng não, bạch hầu...).
Trước hoàn cảnh bi đát đó, các bệnh viện và trung tâm y tế của Yemen trân mình chịu cảnh không kích, đánh bom. Thiếu thuốc men, vắc-xin, thiết bị y tế... là chuyện bình thường. Ở hầu hết cơ sở y tế của chính phủ, các nhân viên chưa được trả lương trong một năm qua.
Là bệnh viện công lớn nhất ở Aden, miền Nam Yemen, al-Sadaqa thu hút tới 500-800 bệnh nhân nghèo và tuyệt vọng mỗi ngày. Nhưng al-Sadaqa bị các tay súng địa phương kiểm soát. Bệnh viện buộc phải trả lương 15 USD/tháng/tay súng, "nếu không sẽ có ai đó bị giết" - theo quản lý bệnh viện Jamal Abdul Hamid.
Phụ nữ trông chừng con cái trong bệnh viện al-Sadaqa ở Aden Ảnh: WASHINGTON POST
Theo bài viết đăng ngày 7-8 của Washington Post, cuộc đình công nói trên là giọt nước tràn ly với các bác sĩ. Nhưng nó cũng làm kiệt quệ hơn nữa hàng ngàn bệnh nhân đang thoi thóp trong bệnh viện. Trong số 15 đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng nằm trong khoa nhi, bé gái 3 tuổi Ayesha Ahmed ốm tới nỗi cứ mỗi hơi thở lại làm lộ ra những mảnh xương sườn bên dưới lớp da khô ráp, mỏng dính. Nằm gần Ayesha, bé trai Mundhir sinh non và nhỏ như một quả bóng xì hơi.
Khuôn mặt tí xíu của em gắn liền với ống thở song cơ thể em không cử động. Anh trai sinh đôi của Mundhir, bé Nadhir, qua đời 9 ngày trước đó. Cho đến khi đình công xảy ra, Mundhir mới sống sót được 29 ngày. Không chỉ suy dinh dưỡng, em còn bị chảy máu trong ruột. Mundhir chỉ được cứu khi một nữ bác sĩ lẻn vào bệnh viện trong chiếc trăm trùm đen để truyền máu cho em.
Nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, bé Taif mới 5 tháng tuổi mà da em nhăn nheo như một bà lão. Em bị bệnh tim bẩm sinh, cần được truyền máu và phẫu thuật gấp. Một tổ chức từ thiện Malaysia nhận mổ miễn phí nhưng với điều kiện Taif phải tăng cân từ 2,7 kg lúc đó lên khoảng 7 kg - điều mà cha mẹ em không biết phải làm sao để đạt được.
Cuối cùng, các bác sĩ chấm dứt đình công khi lực lượng vũ trang có liên hệ với liên quân Ả Rập Saudi chiếm lại bệnh viện. Bé Ayesha may mắn khỏe hơn nhưng bé Taif lại qua đời ngay cả khi được truyền những dòng máu mà cơ thể em chờ đợi từ lâu. Còn Mundhir, em ra đi đúng vào ngày đình công kết thúc!
Bình luận (0)