Theo tờ SCMP, một số dự án đáng chú ý gồm có cầu Hắc Hà-Blagoveshchensk bắc qua sông Amur được khánh thành vào tháng 6, chuyến đầu tiên của tuyến tàu Tuyền Châu-Viễn Đông khởi hành vào giữa tháng 9 và cầu đường sắt Tongjiang-Nizhneleninskoye dài 2.200 m dự kiến được khánh thành trong những tháng tới.
Các nhà phân tích cho rằng những khoản đầu tư gần đây của Trung Quốc vào vùng Viễn Đông là để hỗ trợ nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và nông sản của Nga nhưng không có dự án đáng kể hoặc dòng vốn lớn nào đổ vào Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Cầu Hắc Hà-Blagoveshchensk bắc qua sông Amur được khánh thành vào tháng 6 nối Trung Quốc và Nga. Ảnh: Tatiana Simes
Trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố tình hữu nghị hai nước là "không có giới hạn". Thương mại giữa hai nước sau đó đã bùng nổ.
Đường biên giới chung giữa hai nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên như khí đốt, vàng, than đá, kim cương, gỗ và hải sản. Với việc xây dựng Đường sắt Xuyên Siberia vào cuối thế kỷ 19, nó cũng đóng vai trò là trung tâm trung chuyển giữa châu Á và châu Âu.
Theo chuyên gia nghiên cứu Sergey Ivanov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bất chấp việc hoàn thành các dự án giao thông gần đây, các công ty lớn của Trung Quốc dường như tránh đầu tư vào vùng Viễn Đông. Ông Ivanov nhận định nhìn chung, có sự sụt giảm về đầu tư của Trung Quốc trong trung hạn.
Thương mại của Trung Quốc với vùng Viễn Đông của Nga đạt khoảng 14 tỉ USD vào năm ngoái, chiếm gần 10% tổng thương mại song phương.
Tính đến cuối tháng 6, nền kinh tế thứ 2 thế giới đã công bố 54 dự án tại các đặc khu kinh tế tiên tiến và cảng Vladivostok trị giá khoảng 14,7 tỉ USD, tăng từ mức 2,4 tỉ USD vào năm 2019. Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev cho biết hồi tháng 9 rằng hơn 90% đầu tư nước ngoài vào vùng Viễn Đông đến từ Trung Quốc.
Bình luận (0)