Viên cảnh sát tên Brian D. Sicknick tử vong vào đêm 7-1 (giờ địa phương) và ông là thành viên thứ 4 của Lực lượng cảnh sát Đồi Capitol thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ kể từ khi lực lượng này ra đời 2 thế kỷ trước.
Hiện chưa rõ ông Sicknick bị thương trong hoàn cảnh nào bởi Lực lượng cảnh sát Điện Capitol không công bố thông tin chi tiết. Dù vậy, 2 quan chức thực thi pháp luật cho báo The New York Times biết ông bị người biểu tình dùng bình cứu hỏa đánh vào đầu.
Sau đó, ông trở về văn phòng của đơn vị và bị ngất trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Cảnh sát Brian Sicknick. Ảnh: AP
Các thành viên Lực lượng cảnh sát Điện Capitol trong lúc thi hành nhiệm vụ hôm 6-1. Ảnh: AP
Hiện cũng chưa rõ ông Sicknick chạm trán những người bạo loạn ở đâu bên trong tòa nhà. Hình ảnh và video của một phóng viên địa phương cho thấy một người đàn ông cầm bình chữa cháy bên ngoài phòng họp của Thượng viện.
Cuộc điều tra về cái chết của ông Sicknick, người gia nhập Lực lượng cảnh sát Điện Capitol năm 2008, vẫn đang diễn ra.
Lực lượng cảnh sát Điện Capitol gồm khoảng 2.000 thành viên, đông hơn so với cảnh sát của nhiều thành phố nhỏ. Dù vậy, những gì xảy ra cho thấy lực lượng này bị người biểu tình áp đảo về số lượng khi đám đông xông vào tòa nhà Quốc hội và khiến khoảng 50 cảnh sát bị thương
Theo đài CNN, một đoạn video mới được đăng tải cho thấy cảnh một cảnh sát bị kẹp ở giữa dòng người biểu tình tìm cách xông vào tòa nhà và lực lượng cảnh sát đang nỗ lực ngăn chặn họ.
Cảnh sát nói trên bị chảy máu và gào thét cầu cứu trong lúc đám đông biểu tình hô hào tiếp tục tiến lên phía trước để vượt qua cánh cửa vào tòa nhà. Người này rốt cuộc cũng thoát ra khỏi tình cảnh nguy hiểm nói trên.
Bên ngoài khuôn viên tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 7-1. Ảnh: AP
Những gì xảy ra khiến dư luận không khỏi thắc mắc về chuyện Lực lượng cảnh sát Điện Capitol đã bác bỏ đề nghị hỗ trợ từ các lực lượng liên bang trước khi bạo loạn bùng phát.
Cụ thể, theo AP, 3 ngày trước khi những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào Điện Capitol, Lầu Năm Góc đã hỏi Lực lượng cảnh sát Điện Capitol xem họ có cần nguồn lực của Lực lượng Vệ binh Quốc gia hay không.
Sau đó, khi đám đông xông vào tòa nhà, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị cử nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) đến giúp đỡ. Tuy nhiên, cả hai đề nghị này đều bị từ chối, theo một số nguồn tin.
Mặc dù có nhiều lời cảnh báo về nguy cơ xảy ra bạo loạn, cũng như có nhiều nguồn lực và thời gian để chuẩn bị, Lực lượng cảnh sát Điện Capitol chỉ lên kế hoạch đối phó với một cuộc biểu tình tự do ngôn luận.
Ngoài ra, các quan chức khi đó cũng tránh xảy ra suy nghĩ rằng chính phủ liên bang triển khai lực lượng để đối phó người Mỹ theo sau những gì xảy ra đối với người biểu tình gần Nhà Trắng vào tháng 6-2020.
Hậu quả là tòa nhà Quốc hội đã bị xâm phạm trong một vụ bạo loạn khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có viên cảnh sát nói trên.
Sơ suất an ninh còn được nêu bật khi các công tố viên liên bang cho biết một người đàn ông đến từ bang Alabama đã đỗ chiếc xe có chở theo 11 quả bom tự chế và 2 khẩu súng ở gần Điện Capitol trong vài giờ liền hôm 6-1 trước khi bị nhà chức trách phát hiện.
Những diễn biến gây sốc nói trên làm dấy lên những câu hỏi về khả năng bảo vệ an ninh tại các sự kiện ở Điện Capitol nói riêng và thủ đô Washington nói chung trong tương lai. Nỗi lo trước mắt dành cho lễ nhậm chức tổng thống của ông Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 20-1 tới.
Bình luận (0)