Nhiều người Áo reo hò khi khoảng 4.000 người di cư được xe buýt chở đến biên giới với Hungary. Những người này khệ nệ mang vác đồ đạc bước xuống trong cơn mưa tầm tã ngày 5-9. Họ nằm trong số 10.000 người tiến vào lãnh thổ Áo sau khi Hungary bất ngờ quyết định cung cấp xe buýt cho họ vào đêm hôm trước đó.
Đi bằng mọi cách
Theo chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Janos Lazar, khoảng 1.200 người chấp nhận đi bộ tới Áo, trong đó có không ít người già, người ngồi xe lăn và những đứa bé trong xe đẩy...
Lý giải cho quyết định này, nhiều người nói với đài CNN rằng họ không thể chờ đợi thêm nữa ở ga Keleti tại Budapest cho dù quãng đường từ thủ đô Hungary đến Vienna, thủ đô của Áo, dài tới 250 km. Cảnh sát không ngăn cản họ nhưng cố gắng bảo đảm giao thông và tránh tai nạn.
Một số người dân Hungary chu cấp thực phẩm và nước uống cho đoàn người di cư Syria, thậm chí đi cùng họ để thể hiện tình thân ái. Đài Sky News (Anh) kể về trường hợp Osama Morzar, anh chàng người Syria 23 tuổi, lội bộ khỏi Budapest. Morzar nói mình không thể đăng ký tại Hungary theo quy định vì đã bị axít bào mòn vân tay. Anh hy vọng sẽ đến được Áo trong tầm 3 ngày nữa.
Chính phủ Áo cho biết những người này có thể xin tị nạn hoặc tiếp tục tới Đức nếu muốn. Trong khi đó, cảnh sát Đức hôm 5-9 cho biết đang chờ 10.000 người tị nạn đổ về, đồng thời truy tìm những kẻ cực đoan dùng phương tiện truyền thông xã hội khuấy động lòng căm hận người di cư.
Cảnh sát nhấc bổng một bé gái để không bị thương giữa dòng người tị nạn
tại ga đường sắt Nickelsdorf - Áo ngày 5-9 Ảnh: REUTERS
Trước khi có diễn biến trên, chính phủ Hungary vài ngày qua đã chặn người di dân đi tàu tới khu vực phía Bắc và Tây châu Âu. Nước này nới lỏng lệnh cấm di chuyển hôm 4-9 sau khi nhiều người di cư xô xát với cảnh sát và tự đi bộ về phía biên giới.
Hungary là cửa ngõ chính đối với những ai muốn tìm đến châu Âu thông qua bán đảo Balkan. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, khoảng 50.000 di dân đã đến Hungary theo ngả trên vào tháng rồi. Trong diễn biến khác, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 4 nghi can liên quan đến vụ em bé 3 tuổi người Syria Aylan chết đuối cùng mẹ và anh trai, khiến dư luận thế giới bàng hoàng.
Tăng cường bảo vệ biên giới EU
Trong lúc này, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn loay hoay với giải pháp xử lý làn sóng tị nạn lớn chưa từng có. Trước mắt, giới lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị thành lập một lực lượng bảo vệ biên giới chung. Đồng thời, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ lập một danh sách gồm các quốc gia được xem là “an toàn” và những người di cư đến từ những nước này sẽ phải hồi hương.
Trong danh sách này có thể gồm Pakistan, Bangladesh, Senegal và một số quốc gia châu Phi. Như vậy, Cơ quan Quản lý đường biên giới châu Âu (Frontex) sẽ đảm nhận thêm một loạt nhiệm vụ mới, như phụ trách việc trục xuất các đối tượng coi là di dân kinh tế đến từ khắp EU, quản lý việc tái định cư cho người tị nạn tại châu lục...
Vào ngày 9-9 tới, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker sẽ công bố kế hoạch tái định cư ít nhất 120.000 người tị nạn Syria, Iraq và Eritrea đã có mặt ở EU nhằm giảm gánh nặng cho các nước được coi là cửa ngõ châu Âu, trong đó có Ý, Hy Lạp và Hungary.
Trước đó, EU đề xuất các nước thành viên tiếp nhận 40.000 người tị nạn đến từ Syria và Eritrea đang lưu trú tại Ý và Hy Lạp nhưng nhiều nước dù ủng hộ cũng chỉ đồng ý đón 32.000 người. Pháp và Đức lên tiếng ủng hộ đề xuất mới nhất của EC nhưng Hungary, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Slovakia phản đối.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni cho rằng giải pháp phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư không đủ để xử lý cuộc khủng hoảng. Theo ông, EU cần xem xét lại quy định, theo đó bắt những nước mà người tị nạn đặt chân tới đầu tiên phải chịu trách nhiệm quản lý họ. Riêng Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng vấn đề cần được thảo luận lúc này là kiểm soát chặt biên giới.
Giang tay chào đón
Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila hôm 5-9 hứa sẽ cho người tị nạn đến từ Trung Đông vào ở trong nhà riêng của mình tại khu vực Kempele, tỉnh Oulu, kể từ đầu năm tới. Ông Sipila còn kêu gọi người dân Phần Lan đối xử tốt với những người tị nạn đang trên đường tới châu Âu. Về kế hoạch tái định cư 120.000 người tị nạn đã đến Hy Lạp, Ý và Hungary của Liên minh châu Âu (EU), ông Sipila cho biết cần thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các quốc gia và hy vọng Phần Lan cũng được góp phần.
Tại Anh, hơn 40 hội đồng địa phương cam kết cung cấp nơi trú ẩn cho di dân Syria. Đây là đề xuất của quan chức Công đảng Anh, bà Yvette Cooper, theo đó mỗi hội đồng sẽ tiếp nhận ít nhất 10 gia đình người tị nạn. Thủ tướng David Cameron hôm 4-9 tuyên bố Anh có thể tiếp nhận thêm hàng ngàn người tị nạn Syria. Hiện các hội đồng Anh đã hỗ trợ tổng cộng 2.000 trẻ tị nạn, chi phí cho mỗi đứa trẻ là 50.000 bảng Anh/năm. Trong 4 năm qua, gần 5.000 người Syria đã được cấp quy chế tị nạn tại Anh, theo đài BBC.
Trước đó, tỉ phú người Ai Cập Naguib Sawiris dự định mua một hòn đảo ở Địa Trung Hải để làm chỗ trú ẩn tạm thời cho di dân trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài. Tỉ phú này cho biết sẽ thương thảo với chính phủ Hy Lạp hoặc Ý. “Có hàng chục hòn đảo bị bỏ hoang và chúng có thể chứa hàng trăm ngàn người tị nạn. Sau đó, mọi người có thể xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện... trên đảo. Nếu tình hình thuận lợi, ai muốn về quê hương thì cứ việc trở về” - ông Sawiris bày tỏ.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)