Vận tải cơ AN-225 Mriya được sản xuất bởi Công ty hàng không Antonov vào những năm 1980. Đây là chiếc máy bay vận tải nặng nhất thế giới từng được chế tạo cho tới nay. Nó được trang bị 6 động cơ phản lực cánh quạt, có trọng lượng tải tối đa 250 tấn, có thể chở hàng bên trong hoặc trên lưng.
Sải cánh của AN-225 Mriya lớn hơn so với bất kỳ máy bay nào đang hoạt động. Chỉ có một chiếc An-225 duy nhất từng được chế tạo bởi Công ty Antonov với lần đầu cất cánh vào năm 1988.
Tuy nhiên, chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới của Ukraine đã trúng pháo kích khiến nó bị hư hỏng nặng hồi cuối tháng 2.
Chiếc AN-225 bị thiệt hại nặng trong trận trận pháo kích vào sân bay Hostomel gần Kiev vào cuối tháng 2. Ảnh: CNN
"Giấc mơ sẽ bất diệt" - Công ty Antonov viết trên Twitter khi nói về chiếc AN-225 bị phá hủy và thực tế "Mriya" trong tiếng Ukraine cũng có nghĩa là "Giấc mơ".
Liệu AN-225 Mriya có thể bay trở lại? Xem chừng rất khó dù các chuyên gia của Antonov đã tiến hành nhiều giải pháp, theo CNN.
"Phần mũi của chiếc vận tải cơ lớn nhất thế giới đã bị phá hủy hoàn toàn" - phóng viên Vasco Cotovio của CNN cho biết khi "thực mục sở thị" chiếc AN-225 Mriya hồi đầu tháng 4 - "Cánh và một số động cơ của nó bị hư hại nghiêm trọng. Riêng phần cuối đuôi thủng vài lỗ do các mảnh đạn gây ra".
Phóng viên Vasco Cotovio nhận định: "Nếu không phải do bị trúng trực diện vào phần mũi, chiếc AN-225 có thể đã được sửa chữa".
Chuyên gia hàng không Andrii Sovenko, vốn đã làm việc cho hãng Antonov từ năm 1987 và từng bay trên chiếc AN-225, đã lập một danh sách chi tiết về các thiệt hại của máy bay.
"Phần mũi và thân giữa AN-225 Mriya - bao gồm cả buồng lái và các khoang nghỉ ngơi của phi hành đoàn - đã bị phá hủy" - kỹ sư Andrii Sovenko đánh giá - "Nhưng các hệ thống và thiết bị trên máy bay mới chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất".
Chuyên gia hàng không của Kiev nhấn mạnh: "Việc phục hồi nó rất khó khăn. Nguyên do bởi hầu hết các hệ thống điện, máy bơm và bộ lọc khác nhau được sử dụng trên AN-225 đều được sản xuất từ những năm 1980".
Hiện tại các thiết bị này đã không còn được sản xuất nữa, do đó sẽ rất khó có thể phục hồi lại AN-225 như cũ.
"May mắn còn nhiều bộ phận khác của máy bay vẫn còn có thể cứu vãn được như bộ khí động học, cánh quạt …" - chuyên gia Andrii Sovenko nói thêm: "6 động cơ dường như còn nguyên vẹn, phần đuôi cũng có thể khắc phục được".
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh việc sửa chữa để có thể đưa chiếc vận tải cơ lớn nhất thế giới bị trúng pháo kích tại sân bay Hostomel là rất khó.
"Không thể nói về việc sửa chữa hoặc phục hồi chiếc máy bay này. Chúng ta chỉ có thể nói về việc chế tạo một chiếc Mriya khác bằng cách sử dụng các bộ phận riêng biệt kết hợp với các bộ phận đã có từ những năm 1980 để chế tạo chiếc thứ hai" - chuyên gia này quả quyết.
Việc phục hồi chiếc AN-225 Mriya mang tính biểu tượng của Ukraine rất khó khăn. Ảnh: CNN
Thậm chí, ngay cả cách này cũng "Sẽ không thể chế tạo được những chiếc máy bay giống hệt nhau về thiết kế và thiết bị". "Thật vô nghĩa khi chế tạo một chiếc máy bay ngày nay với thiết kế đã 40 năm tuổi" - ông Sovenko nói thêm.
Việc cho ra đời một chiếc AN-225 Mriya thứ hai cũng không hề rẻ, dù rất khó để xác định chính xác chi phí của nó.
Theo Ukrinform, hãng thông tấn quốc gia Ukraine, chi phí của hoạt động này sẽ vào khoảng 3 tỷ USD. Công ty Antonov năm 2018 ước tính rằng việc hoàn thành khung máy bay thứ hai sẽ tiêu tốn tới 350 triệu USD.
"Sẽ rất khó để chiếc vận tải cơ lớn nhất thế giới AN-225 Mriya có thể bay trở lại dù các chuyên gia Ukraine đã tiến hành và tính toán đến nhiều giải pháp" - kênh CNN bình luận.
Bình luận (0)