Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 12-2 cho thấy nợ công nước này đã cán mốc kỷ lục 22.012 tỉ USD, tăng 30 tỉ USD trong chưa đầy 2 tuần đầu tháng 2 và 1.000 tỉ USD trong 11 tháng qua. Nợ công nước này ở mức 19.950 tỉ USD khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức ngày 20-1-2017.
Theo hãng thông tấn AP, nợ công đã tăng nhanh hơn sau gói cắt giảm thuế 1.500 tỉ USD của Tổng thống Trump vào tháng 12-2017, cùng hành động tăng chi tiêu cho các chương trình quân sự và nội địa của quốc hội vào năm 2018.
Bên cạnh đó, dân số già, chi phí y tế và lãi suất tăng cao là những lý do khác khiến nợ công Mỹ nhảy vọt.
Ông Paul Ryan trong một lần phát biểu trước “đồng hồ nợ công” tại TP Dover, bang New Hampshire khi còn làm chủ tịch Hạ viện Mỹ Ảnh: REUTERS
Gọi việc nợ công chạm ngưỡng kỷ lục nói trên là "cột mốc bất hạnh", Giám đốc Quỹ Peter G. Peterson, ông Michael A. Peterson, cho rằng đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình tài chính của Mỹ không những không bền vững mà còn phình lên.
Cũng theo nhân vật chịu trách nhiệm tham gia giải quyết những vấn đề tài chính dài hạn của Mỹ này, "lãi suất của nợ công Mỹ đã tốn hơn 1 tỉ USD/ngày và khi vay hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác, lãi suất sẽ đè nặng lên nền kinh tế và gây khó khăn hơn cho các khoản đầu tư quan trọng cho tương lai".
Theo các chuyên gia, với người dân của nền kinh tế số 1 thế giới, nợ công tăng cao có thể đẩy cao lãi suất vay tiêu dùng, các khoản thế chấp mua nhà, trái phiếu doanh nghiệp cùng các loại hình cho vay tiêu dùng và kinh doanh khác.
Nợ công quốc gia lớn cũng cản trở chính phủ trong việc tăng chi tiêu chống chọi đợt suy thoái tiếp theo hoặc chi thêm ngân sách cho các chương trình đào tạo lao động, trợ giúp người nghèo…
Phê phán tình trạng trút gánh nặng nợ công lên vai các thế hệ sau, 2 đồng chủ tịch Chiến dịch Khắc phục nợ của Mỹ - Judd Gregg và Edward Rendell - nhấn mạnh: "Chúng ta cần bộ máy lãnh đạo có trách nhiệm để giải quyết nợ công thay vì làm tồi tệ thêm tình trạng chia rẽ đảng phái".
Bình luận (0)