Nền kinh tế Trung Quốc hiện đối mặt nguy cơ nghiêm trọng nếu không nhanh chóng kiểm soát khối nợ doanh nghiệp (DN) đang tăng nhanh - một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo ngày 11-6.
Trong bài phát biểu tại hội thảo kinh tế - xã hội về phát triển bền vững ở Trung Quốc và thế giới diễn ra ở TP Thâm Quyến, ông David Lipton - Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF - cho rằng nợ DN là thất bại cơ bản của nền kinh tế số 2 thế giới. “Nợ DN vẫn là vấn đề nghiêm trọng và ngày càng tồi tệ hơn đối với Trung Quốc, cần phải giải quyết ngay lập tức với cam kết cải tổ nghiêm túc” - ông Lipton cảnh báo.
Theo lời vị lãnh đạo IMF từng là bộ trưởng tài chính Mỹ này, nợ DN của Trung Quốc hiện đạt mức xấp xỉ 145% GDP, đe dọa dẫn tới những sự “chệch hướng nguy hiểm” đối với Trung Quốc trên con đường vươn tới trở thành một nền kinh tế phát triển. “Vấn đề nợ của các DN hiện tại có thể sẽ trở thành vấn đề nợ của cả hệ thống trong tương lai. Các vấn đề nợ chồng chất có thể dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế hoặc gây khủng hoảng cho ngành ngân hàng hoặc là cả hai” - ông Lipton nhấn mạnh.
Vấn đề nổi cộm của Trung Quốc là DN nhà nước (SOE) - vốn chiếm khoảng 55% nợ DN (theo tính toán của IMF) nhưng lại chỉ sản xuất được 22% sản lượng kinh tế. Theo dữ liệu do chính phủ Trung Quốc công bố, lợi nhuận của các SOE giảm 6,7% trong khi tổng doanh thu giảm 5,4%. Theo tờ Financial Times (Anh), ông Lipton đánh giá một cách đầy hình tượng rằng nhiều SOE của Trung Quốc đang “phải dùng tới ống thở”. Giới phân tích cho rằng trong một môi trường tăng trưởng kinh tế đang suy giảm, doanh thu đi xuống trong khi nợ lại gia tăng khiến năng lực trả nợ của các DN suy yếu. Từ đó, các ngân hàng lâm vào tình cảnh ôm nhiều nợ xấu hơn. Theo IMF, mức nợ xấu DN tiềm năng của Trung Quốc tương đương 7% GDP.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên từ lâu đã cảnh báo những nguy hiểm của tình trạng nợ DN chồng chất. Hồi tháng 5, tờ Nhân dân Nhật báo từng đăng tải trên trang nhất bài phỏng vấn một nhân vật cấp cao giấu tên về chủ đề này và ông ta đã đưa ra cảnh báo rằng mức nợ gia tăng có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống.
Bắc Kinh đến nay đã phát động hàng loạt sáng kiến nhằm đẩy lùi núi nợ xấu đang đè nặng lên các ngân hàng, trong đó có biện pháp chứng khoán hóa và hoán chuyển nợ thành cổ phần. Có điều, kết quả của những nỗ lực rầm rộ này đến nay vẫn còn quá hạn chế. Ngoài ra, ông Lipton còn nghi ngờ ý tưởng sáp nhập các công ty nhà nước khỏe mạnh với những DN yếu ớt mà Bắc Kinh đưa ra. Theo vị Phó Tổng Giám đốc điều hành IMF, giải pháp này không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm suy yếu cả những công ty đang làm ăn tốt.
Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) nhận định Trung Quốc đã trải qua một cuộc khủng hoảng nợ hồi đầu thế kỷ này và có thể đối mặt nguy cơ tương tự một lần nữa trong chưa đầy 2 thập kỷ sau đó. “Bài học mà Trung Quốc cần tiếp thu nếu nước này muốn tránh một chu kỳ lặp đi lặp lại của tăng trưởng tín dụng, nợ và tái cơ cấu DN là cải thiện quản trị DN” - ông Lipton chỉ rõ.
Bình luận (0)