Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 3-4 điện đàm với Ngoại trưởng Iran Jawad Zarif để chuẩn bị cho cuộc đàm phán về cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran, Ngoại trưởng Pháp kêu gọi Iran có thái độ "mang tính xây dựng" và tránh leo thang các hoạt động hạt nhân trước thềm cuộc đàm phán. Ông Le Drian kêu gọi Iran kiềm chế không vi phạm thêm các cam kết hạt nhân hiện tại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ.
Trước đó, theo hãng tin AP, Mỹ và Iran thông báo hai bên sẽ bắt đầu đàm phán gián tiếp vào ngày 6-4. Đây là một trong những tín hiệu lạc quan đầu tiên trong nỗ lực đưa hai bên trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tương tự, giáo sư Vương Kim, chuyên gia về Trung Đông từ Trường ĐH Tây Bắc (Trung Quốc), cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran là một khởi đầu tốt để hai bên thoát khỏi bế tắc hiện tại và có thể có các cuộc đàm phán trực tiếp trong tương lai.
Một kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở chuyển đổi uranium ở TP Isfahan (Iran) Ảnh: AP
Các nhà ngoại giao của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Iran cũng sẽ tham gia vào cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo). Sáu quốc gia này vẫn là các bên tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran (còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA), trong đó Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân để được giảm bớt các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết mục tiêu của các cuộc đàm phán tại thủ đô của Áo là đạt được một thỏa thuận trong vòng 2 tháng. Theo phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter, trọng tâm của các cuộc đàm phán vào tuần tới tại Vienna sẽ tập trung vào các bước liên quan tới hạt nhân mà Iran cần phải thực hiện để quay trở lại tuân thủ JCPOA. Mỹ không thể nói trước sẽ có các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran thông qua cơ chế này hay không mặc dù Washington vẫn để ngỏ khả năng này.
Tuy nhiên, trang Bloomberg đưa tin Iran đã bác bỏ khả năng thảo luận song phương trực tiếp lẫn gián tiếp với Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không có cuộc đàm phán nào với người Mỹ ở Vienna, dù trực tiếp hay gián tiếp". Thứ trưởng Araqchi đề nghị các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân "nên cố gắng thuyết phục Mỹ" dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt.
Theo JCPOA, Iran cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt nước này được dỡ bỏ. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố rút nước này ra khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố việc trở lại thỏa thuận hạt nhân và buộc Iran tuân thủ các hạn chế hạt nhân sẽ là ưu tiên trong chính sách của ông. Tuy nhiên, Iran vẫn muốn Mỹ trước hết phải bãi bỏ các lệnh trừng phạt.
Bình luận (0)