Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị thu hẹp trong tháng 7, khiến các nhà hoạch định chính sách gặp thách thức trong việc khôi phục đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thời hậu đại dịch COVID-19.
Theo cuộc khảo sát được Caixin/S&P Global công bố ngày 1-8, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Trung Quốc giảm từ 50,5 trong tháng 6 còn 49,2 trong tháng 7. Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên PMI của cuộc khảo sát tư nhân này xuống dưới 50 kể từ tháng 4-2023.
PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. Trước đó một ngày, theo dữ liệu công bố của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), PMI trong tháng 7 đạt 49,3.
Trong nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 31-7 đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nhiều mặt hàng và dịch vụ, bao gồm xe điện, thiết bị gia dụng, điện tử, dịch vụ ăn uống, văn hóa và du lịch, cũng như ở khu vực nông thôn.
Trước đó, NDRC hôm 24-7 cũng công bố các biện pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng và tăng cường tài chính cho các dự án tư nhân.
Bên cạnh một loạt biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, theo đài CNBC, Trung Quốc thời gian qua vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp, trái ngược với Mỹ và các nước khác mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất thấp hơn giúp doanh nghiệp có nhiều động lực đi vay trong khi việc cắt giảm lãi suất tiền gửi, về mặt lý thuyết, thúc đẩy người dân tăng chi tiêu.
Còn tại Nhật Bản, một khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương (BOJ) cho thấy tâm lý kinh doanh tại nước này được cải thiện trong quý II/2023 khi chi phí nguyên liệu thô đạt đỉnh và việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch đã giúp nâng cao sản lượng của nhà máy và tăng chi tiêu tiêu dùng.
Đây được xem là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi ổn định. Ông Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh tế Itochu (Nhật Bản), cho biết chi tiêu vốn mạnh mẽ đã dẫn đến tâm lý lạc quan hơn ở các nhà sản xuất.
Theo khảo sát trên, các công ty lớn có kế hoạch tăng 13,4% chi tiêu vốn trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3-2024), vượt xa con số 3,2% dự kiến trong lần khảo sát hồi tháng 3.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cho đến khi đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, cùng với sự tăng trưởng tiền lương vững chắc. GDP của Nhật Bản trong quý I/2023 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhờ chi tiêu trong nước tăng sau đại dịch bù đắp tác động từ sự sụt giảm xuất khẩu do nhu cầu toàn cầu chậm lại. Theo Reuters, một tiểu ban của chính phủ hôm 28-7 khuyến nghị mức lương tối thiểu trung bình toàn quốc nên tăng thêm 41 yen lên 1.002 yen (166.000 đồng)/giờ.
Đề nghị này được đưa ra giữa lúc Thủ tướng Kishida Fumio xem vấn đề tiền lương là trọng tâm trong các chính sách của ông. Thủ tướng Nhật Bản và BOJ đang hy vọng việc tăng lương có thể được duy trì nhằm thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, từ đó giúp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ trong nhiều thập kỷ.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ hiện ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ và đường sắt. Mục tiêu ngân sách gần đây là tiếp tục chương trình cho vay không lãi suất trong 50 năm để chính quyền các bang thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Theo đài CNBC, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) tin rằng đây là thời điểm phù hợp để lĩnh vực tư nhân mở rộng quy mô sản xuất và dịch vụ nhằm tạo thêm nhiều việc làm và tuyển dụng nhiều lao động. Ngân hàng này cũng nhận định một trong những động lực thúc đẩy kinh tế Ấn Độ tăng trưởng là công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các nhà máy khắp châu Á ghi nhận nhu cầu ì ạch trong tháng 7 do các đơn đặt hàng mới trong nước và trên thế giới sụt giảm, qua đó cho thấy khu vực này đang chịu tác động từ sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Theo đài CNBC, kết quả 9 cuộc khảo sát tư nhân được công bố hôm 1-8 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp tại phần lớn nền kinh tế ở châu Á. Chẳng hạn như tại Nhật Bản, PMI của Ngân hàng au Jibun trong tháng 7 là 49,6. Con số này giảm so với mức 49,8 hồi tháng 6 do nhu cầu kém trong và ngoài nước.
Trong khi đó, PMI của Hàn Quốc trong tháng 7 là 49,4, tăng so với mức 47,8 của một tháng trước đó. Ông Shivaan Tandon, chuyên gia tại Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), nhận định hoạt động của các nhà máy sẽ khó khởi sắc trong những tháng tới do số lượng đơn đặt hàng mới giảm, triển vọng tuyển dụng ảm đạm và mức tồn kho cao. Cũng theo ông Tandon, nhu cầu bên ngoài sẽ là một thử thách đối với tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có hoạt động sản xuất tại Ấn Độ, Indonesia và Philippines mở rộng trong tháng rồi. Trong số này, Ấn Độ tiếp tục là một điểm sáng khi ghi nhận PMI trong tháng 7 là 57,7. Con số này giảm chút ít so với mức 57,8 hồi tháng 6 nhưng vẫn trên mốc 50 trong hơn 2 năm qua.
Hoàng Phương
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!