Thủ tướng Anh David Cameron ngày 12-5 đã công bố chi tiết những biện pháp nhằm tăng cường sự minh bạch tại Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về chống tham nhũng đầu tiên tổ chức ở thủ đô London.
Đáng chú ý, những công ty nước ngoài nào sở hữu tài sản ở Anh sẽ phải công khai danh tính chủ sở hữu hưởng lợi thật sự. Những doanh nghiệp muốn mua tài sản ở Anh hoặc tham gia đấu thầu các hợp đồng chính phủ cũng phải làm điều tương tự.
London hy vọng biện pháp này, dự kiến bắt đầu thực hiện vào tháng tới, sẽ ngăn các đối tượng tham nhũng chuyển, rửa và che giấu tiền trái phép thông qua thị trường bất động sản Anh. Tuy nhiên, bước đi này không được áp dụng cho những lãnh thổ hải ngoại của Anh bất chấp đòi hỏi của các nhà hoạt động.
Anh cho biết một số nước đã cam kết có bước đi tương tự, trong đó có Pháp, Hà Lan, Nigeria và Afghanistan. Một sáng kiến nữa là thành lập một trung tâm quốc tế mới để điều phối cuộc chiến chống tham nhũng toàn cầu. Theo ông Cameron, đây là “những phát súng” đầu tiên trong nỗ lực chung nhằm bài trừ tham nhũng trên toàn thế giới.
“Tai họa tham nhũng đã len lỏi vào từng ngóc ngách của thế giới. Một vấn đề toàn cầu cần một giải pháp toàn cầu thật sự” - nhà lãnh đạo Anh khẳng định, đồng thời nhấn mạnh tham nhũng còn gây bất ổn kinh tế, đói nghèo, mối đe dọa cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan... Cũng phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định tham nhũng đe dọa các nước bởi nó dung dưỡng tội phạm và khủng bố.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về sự gia tăng của những tổn thất kinh tế-xã hội do tham nhũng gây ra đối với nền kinh tế thế giới. Theo IMF, những ước tính gần đây cho biết tham nhũng gây thiệt hại 1.500-2.000 tỉ USD/năm, tương đương 2% GDP toàn cầu. Không những thế, bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF, còn chỉ ra những tổn thất gián tiếp cũng nghiêm trọng không kém, như tăng trưởng kinh tế sụt giảm, bất bình đẳng thu nhập gia tăng...
Đối mặt hiểm họa lớn nêu trên, các lãnh đạo, quan chức đến từ hơn 50 nước cùng với người đứng đầu IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và đại diện các tổ chức phi chính phủ, nhà hoạt động... đã tập trung thảo luận cách thức tăng cường sử dụng những công cụ có sẵn để chống tham nhũng tại hội nghị ở London. Bà Lagarde thúc giục các chính phủ củng cố pháp trị, tăng cường sự minh bạch để làm nản lòng người đưa và nhận hối lộ. Bà cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc tự do hóa và tiết giảm quản lý hoạt động kinh tế để loại bỏ sự cám dỗ của tham nhũng.
Một nội dung nghị sự quan trọng khác là làm sao xóa bỏ sự bí mật thuế tại các lãnh thổ hải ngoại của Anh và các lãnh thổ phụ thuộc của Hoàng gia Anh sau khi bom tấn mang tên “Hồ sơ Panama” được kích hoạt. Tại hội nghị, ông Cameron thông báo một số lãnh thổ nêu trên đã ký tham gia thỏa thuận chia sẻ dữ liệu, cho phép cảnh sát và công tố viên lần ra ai thật sự là chủ sở hữu những tài sản đăng ký ở đó.
Bình luận (0)