Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2016 là Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì nỗ lực mang lại hòa bình cho đất nước.
Ông Santos đã ký thỏa thuận hòa bình với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), chấp dứt cuộc nội chiến kéo dài 51 năm. Bất chấp thực tế rằng cử tri Colombia phản đối thỏa thuận trên trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sáng 2-10, đây vẫn là bước đột phá trong hành trình tìm lại hòa bình cho đất nước Nam Mỹ này.
Chủ tịch Ủy ban Nobel, bà Kaci Kullmann Five, công bố giải Nobel Hòa bình hôm 7-10. Ảnh: Reuters
Do thời điểm trao giải là 4 giờ 45 phút sáng 7-10 ở Colombia nên Tổng thống Santos không hay biết mình đoạt giải. Khi đài truyền hình Na Uy NRK liên lạc, văn phòng tổng thống cho biết ông Santos vẫn đang ngủ.
Ngay sau khi hay tin, ông cho hay: "Chúng tôi đã tiến rất, rất gần đến việc đạt được hòa bình".
Người phát ngôn của Ủy ban Nobel hoan nghênh Tổng thống Santos vì cam kết sẽ chiến đấu vì hòa bình cho đến ngày cuối cùng còn tại vị. “Ủy ban Nobel hy vọng giải thưởng Nobel hòa bình sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ông. Hơn nữa, gởi gắm cùng giải thưởng là niềm hy vọng của ủy ban rằng trong năm tới, người dân Colombia sẽ gặt hái những thành quả trong tiến trình xây dựng hòa bình”.
Dẫu thỏa thuận hòa bình với FARC chưa trọn vẹn nhưng nỗ lực của Tổng thống Santos đã thể hiện được tinh thần của ông Alfred Nobel.
Danh sách ứng viên Nobel Hòa bình năm nay là 376 ứng viên gồm 228 cá nhân và 148 tổ chức, cao hơn cả con số kỷ lục 278 đề cử vào năm 2014.
Dù danh sách ứng viên luôn được giữ kín trong 50 năm nhưng theo tiết lộ từ một số người có quyền đề cử, danh sách này có tên ông Donald Trump, ứng viên tổng thống Mỹ 2016, cũng như một vài cái tên quen thuộc như cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden hoặc nhóm đàm phán hạt nhân Iran.
Trước khi giải thưởng được công bố, những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình năm nay có nhà hoạt động nhân quyền người Nga Svetlana Gannushkina (47 tuổi). Tổ chức mang tên Ủy ban Trợ giúp Công dân (CAC) của bà đã hỗ trợ cho 50.000 người nhập cư, tị nạn kể từ năm 1990. Bà giành được nhiều giải thưởng trong đó có Right Livelihood Award, được ví là bản sao của giải Nobel.
Nhóm tình nguyện viên Mũ bảo hiểm Trắng ở Syria (gần 3.000 tình nguyện viên) được đánh giá cao vì hành động cảm cứu giúp, tìm người sống sót các đống đổ nát.
Ngoài ra, những nhân được đề cử còn có Thủ tướng Đức Angela Merkel nhờ các nỗ lực trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, bác sĩ phụ khoa Denis Mukwege - người đã điều trị hàng chục ngàn nạn nhân bị cưỡng hiếp khắp CHDC Congo và Giáo hoàng Francis.
Năm ngoái, nhóm trung gian Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia đoạt giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp cho quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước này.
Bình luận (0)