Ủy ban Nobel Na Uy hôm 9-10 thông báo giải Nobel Hòa bình 2015 được trao cho Bộ tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia vì góp phần vào phong trào Mùa xuân Ả Rập đầu tiên, cũng là thành công nhất. Những đóng góp này mang tính quyết định trong việc kiến tạo nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau Cách mạng Hoa nhài năm 2011.
Bộ tứ trung gian hòa giải kể trên gồm 4 tổ chức chính trong xã hội dân sự Tunisia: Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT), Hiệp hội Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia (UTICA), Liên đoàn Nhân quyền Tunisia (LTDH) và Hiệp hội Luật sư Tunisia.
Ra đời vào mùa hè năm 2014, bộ tứ này tiếp sức cho tiến trình dân chủ ở Tunisia đang có nguy cơ sụp đổ bằng cách tạo dựng cuộc đối thoại cho các thành phần khác nhau trong xã hội. Những nỗ lực hòa giải dân tộc của bộ tứ giúp Tunisia tránh được kịch bản đẫm máu tương tự các nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi trong phong trào Mùa xuân Ả Rập.
Các nhà lãnh đạo Bộ tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia tại một cuộc họp báo tại thủ đô Tunis hồi tháng 9-2013
Ảnh: REUTERS
“Giải thưởng trên là nguồn khích lệ cho nhân dân Tunisia, những con người đã đặt nền tảng cho tình anh em dân tộc mà Ủy ban Nobel hy vọng sẽ là tấm gương cho các nước khác. Đây còn là công cụ giúp Tunisia thiết lập một hệ thống chính quyền hợp hiến, bảo đảm những quyền cơ bản cho toàn dân, bất kể giới tính, nhận thức chính trị hoặc niềm tin tôn giáo” - bà Kaci Kullman Five, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh.
Với ý nghĩa rộng hơn, theo đài CNN, giải Nobel Hòa bình năm nay là nỗ lực của Ủy ban Nobel trong việc bênh vực cho phong trào Mùa xuân Ả Rập vốn khởi phát ở Tunisia vào tháng 12-2010. Phong trào “cách mạng” này khởi đầu với niềm hy vọng và lý tưởng, sau đó lan ra nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi.
Làn sóng biểu tình chống đối ở Tunisia đã làm dấy lên các cuộc nổi dậy khắp thế giới Ả Rập hồi năm 2011, lật đổ các nhà độc tài và làm thay đổi hiện trạng ở nhiều nước. Đáng chú ý, Tunisia là quốc gia duy nhất trong khu vực chịu khó kiến tạo dân chủ, thu hút nhiều thế lực chính trị và xã hội tham gia xây dựng hiến pháp, luật pháp và các thiết chế dân chủ.
Hãng tin AP nhận định giải thưởng này là chiến thắng to lớn đối với đất nước Tunisia nhỏ bé mà nền dân chủ non trẻ và chưa chắc chắn đã gánh chịu 2 vụ tấn công hồi tháng 3 và tháng 6 năm nay làm chết 60 người và phá hoại nghiêm trọng ngành công nghiệp du lịch của họ.
Trong khi đó, các thành viên Bộ tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia nhận định giải thưởng đã phát đi thông điệp về sức mạnh của đối thoại. “Đây là niềm vui và tự hào lớn của Tunisia, đồng thời là hy vọng cho thế giới Ả Rập. Giải thưởng là thông điệp gửi đến khu vực rằng cần phải hạ vũ khí, ngồi vào bàn đàm phán” - ông Hussien Abassi, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia, nói với hãng tin Reuters.
Không ít người ngạc nhiên với giải Nobel Hòa bình năm nay do những dự đoán trước đây tập trung vào cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu hoặc thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) và Iran ký kết hồi tháng 7 qua. “Giải Nobel Hòa bình năm nay rất tuyệt vời vì nó đi vào tâm điểm cuộc xung đột trong thế giới Hồi giáo” - ông Oeyvind Stenersen, nhà sử học Nobel, chia sẻ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu và Liên Hiệp Quốc cũng hoan nghênh quyết định trên của Ủy ban Nobel. Theo Reuters, giải Nobel Hòa bình trị giá khoảng 972.000 USD sẽ được trao ở TP Oslo vào ngày 10-12.
Bình luận (0)