Giải Nobel Kinh tế 2015 hôm 12-10 đã được trao cho nhà kinh tế học vi mô nổi tiếng Angus Deaton vì những phân tích của ông về “sự tiêu dùng, nghèo khó và phúc lợi”.
Theo thông cáo báo chí của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, tiến sĩ Deaton đã có công lớn trong việc cải thiện sự hiểu biết về những lựa chọn tiêu dùng của cá nhân, từ đó giúp thiết kế chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy phúc lợi và giảm nghèo.
Cụ thể, theo báo The Guardian (Anh), nhà kinh tế học này tập trung nghiên cứu về những mối liên hệ giữa tiêu dùng và thu nhập cũng như tác động của những chính sách công đối với người giàu và người nghèo. Đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này là việc đo lường xem hành vi của công chúng thay đổi ra sao nếu chính phủ có những bước đi, như tăng thuế GTGT đối với thực phẩm.
Thông cáo trên cho biết ông Deaton được vinh danh vì 3 thành tựu liên quan với nhau: Hệ thống ước tính nhu cầu về những hàng hóa khác nhau do ông và giáo sư kinh tế học John Muellbauer tại Trường ĐH Oxford (Anh) phát triển vào năm 1980; những nghiên cứu về mối liên hệ giữa tiêu dùng và thu nhập được tiến hành vào năm 1990; nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu khảo sát hộ gia đình tại các nước đang phát triển, nhất là dữ liệu về tiêu dùng, để đo lường những tiêu chuẩn sống và sự nghèo khó. Những gì ông Deaton nghiên cứu đã góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo của các lĩnh vực kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô và kinh tế phát triển - theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Ông Angus Deaton sinh năm 1945 tại TP Edinburgh - Scotland. Ông hiện mang 2 quốc tịch Anh và Mỹ, là giáo sư kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Trường ĐH Princeton (Mỹ).
Trả lời giới truyền thông sau khi hay tin được trao giải Nobel Kinh tế, ông Deaton tin rằng tình trạng cực nghèo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới và nói thêm rằng ông không muốn trở thành “người lạc quan mù quáng”. “Vẫn còn nhiều người, cả người lớn lẫn trẻ em, đang sống trong cảnh nghèo, kèm theo đó là những vấn đề về sức khỏe. Đối với nhiều người trên thế giới, mọi chuyện vẫn còn rất tồi tệ” - ông Deaton bày tỏ.
Nhà kinh tế học này cũng nhận định cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay là kết quả của thực trạng phát triển không công bằng trên thế giới nhiều năm qua. Những người bị bỏ lại đằng sau đều muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó gây sức ép lớn lên ranh giới giữa các nước giàu và nghèo. Theo ông, giải pháp trước mắt là giảm nghèo tại những nước nghèo bên cạnh việc chấm dứt sự bất ổn chính trị tại những khu vực đang có chiến sự.
Giải Nobel Kinh tế có giá trị gần 980.000 USD nói trên là giải cuối cùng được trao trong mùa giải Nobel năm nay. Giải này bắt đầu được trao từ năm 1969 và không nằm trong số những giải được lập ra theo di chúc của ông Alfred Nobel.
Theo báo The New York Times, hơn 80% người nhận giải Nobel Kinh tế là công dân Mỹ. Đáng chú ý là mới chỉ có 1 một phụ nữ được tôn vinh cho đến giờ: nhà khoa học chính trị Elinor Ostrom, cũng là người Mỹ, vào năm 2009.
Bình luận (0)