Cuộc họp kéo dài hơn 6 giờ ghi nhận sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong nội bộ OPEC, còn giá dầu sau đó dao động ở mức 40 USD/thùng.
Một số nước, như Iran, Venezuela, Algeria, Angola và Nigeria, yêu cầu các “ông lớn” (Ả Rập Saudi, Qatar…) cắt giảm sản lượng nhưng bản thân lại không chịu làm thế. Trong khi đó, một số đại gia vùng Vịnh từ chối cắt giảm trừ khi tất cả thành viên OPEC cùng một số nhà sản xuất bên ngoài có động thái tương tự.
Chủ tịch OPEC Emmanuel Ibe Kachikwu nhận định ngay cả khi họ chịu giảm sản lượng thì mức giảm 5% không thể đẩy giá dầu lên cao hơn trừ khi các nhà sản xuất bên ngoài OPEC - chiếm 2/3 sản lượng toàn cầu - cùng tham gia. Cuối cùng, OPEC duy trì mức sản xuất như hiện nay, tức là vào khoảng 31,5 triệu thùng/ngày, đồng thời “giám sát chặt chẽ thị trường trong những tháng tới”.
Theo đài CNN, bước đi của OPEC khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên. Thậm chí, ông Mathew Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Công ty ClipperData chuyên theo dõi giao dịch dầu thô, nhận định tổ chức này “về cơ bản đã tan vỡ”.
Mặt khác, kết quả cuộc họp của OPEC càng củng cố nhận định Mỹ đang trở thành nhà sản xuất dầu mỏ ảnh hưởng nhất thế giới. Hoạt động của các nhà sản xuất dầu đá phiến nước này có chi phí cao hơn nhưng lại linh hoạt hơn: Họ có thể tạm nghỉ rồi nhanh chóng khôi phục sản xuất nếu giá dầu tăng trở lại.
Bình luận (0)