Giá dầu lao dốc đang khiến nội bộ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) rạn nứt và tranh cãi nổ ra giữa Ả Rập Saudi - được xem là trụ cột của OPEC - và các nhà sản xuất nhỏ hơn, như Venezuela và Algeria.
Đài CNN nhận định các nhà sản xuất nhỏ muốn OPEC kìm hãm sản lượng nhằm đẩy giá dầu lên, từ đó vực dậy nền kinh tế đang chịu thiệt hại vì giá dầu giảm mạnh. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu của OPEC đã giảm gần 500 tỉ USD/năm sau khi giá dầu giảm 60% so với mức hồi tháng 6-2014.
Bộ Dầu mỏ Venezuela cảnh báo giá dầu có thể giảm xuống mức 25 USD/thùng nếu OPEC không hành động nhanh chóng. Trong khi đó, Algeria kêu gọi đưa ra mức giá sàn, còn Ecuador cho rằng cách duy nhất để cân bằng thị trường là cắt giảm sản lượng.
Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria Muhammad Sanusi II tuyên bố Ả Rập Saudi đã sai lầm khi quyết định sản xuất dầu tràn ngập thị trường bởi điều đó chẳng giúp được ai, kể cả nước này. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi cho đến giờ vẫn bỏ ngoài tai. Bằng cách kìm giữ giá dầu ở mức thấp, đại gia dầu mỏ này hy vọng giành lại được thị phần đã mất bằng cách “tống khứ” các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ ra khỏi cuộc chơi.
Mối bất hòa xuất hiện trước thềm hội nghị OPEC, dự kiến diễn ra ở thủ đô Vienna - Áo vào ngày 4-12 tới. Ít người kỳ vọng Ả Rập Saudi sẽ nhượng bộ tại hội nghị này, khiến tình trạng đối đầu trở nên nghiêm trọng, đe dọa số phận của OPEC. Nguồn tin từ Bộ Dầu mỏ Ả Rập Saudi tiết lộ nước này sẽ không thay đổi sản lượng nếu Nga tiếp tục “cho ra lò” gần 11 triệu thùng dầu/ngày.
Trong khi đó, các nước láng giềng Qatar, Kuwait và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đứng về phe Ả Rập Saudi bởi họ có đủ tiềm lực tài chính để chống chọi với giá dầu thấp, ít nhất là trong vài năm nữa. Các nước này lo ngại sẽ mất thêm thị phần về tay Mỹ, Nga và các thành viên OPEC khác nếu chịu cắt giảm sản lượng.
Theo hãng tin Bloomberg, Ả Rập Saudi và Angola đã qua mặt Nga trở thành những nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua. Cụ thể, Ả Rập Saudi đã bán hơn 29 triệu thùng dầu cho Trung Quốc, theo sau là Angola (26 triệu thùng) và Nga (gần 25 triệu thùng). Thị trường khổng lồ Trung Quốc vẫn là nơi các nhà cung cấp trên thế giới tranh giành, làm các chuyên gia năng lượng lo ngại tình trạng nguồn cung dầu thừa mứa sẽ còn kéo dài.
Trong một diễn biến khác, nhật báo Iran Daily ngày 24-11 bình luận rằng sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Các nước Xuất khẩu khí đốt (GECF) ở Tehran một ngày trước đó sẽ góp phần phát triển mối quan hệ song phương trong lĩnh vực khai thác và sản xuất năng lượng. “Cần thiết phát triển sự hợp tác cả với các quốc gia không là thành viên OPEC như Nga” - tờ báo nhấn mạnh.
Bình luận (0)