Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler, Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan và Bộ trưởng Môi trường đồng loạt từ chức sau khi con trai họ bị bắt giam hôm 17-12 trong cuộc điều tra về cáo buộc chuyển tiền phi pháp sang Iran có liên quan đến ngân hàng nhà nước Halkbank và ăn hối lộ trong các dự án xây dựng.
Đáng chú ý, ông Bayraktar - người từng rất thân với Thủ tướng Erdogan - khăng khăng phần lớn các dự án xây dựng bị điều tra được thủ tướng chấp thuận triển khai. “Tôi nghĩ ngài thủ tướng kính mến cũng nên hành động như chúng tôi” - Bộ trưởng Bayraktar mỉa mai.
Với vẻ ương ngạnh cùng 11 năm cầm quyền, ông Erdogan nhanh chóng cải tổ nội các, bổ nhiệm ngay 10 bộ trưởng mới. Thế nhưng, ngày 27-12, thêm 3 nghị sĩ thuộc Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan dứt áo ra đi.
Các vụ từ chức thổi bùng trở lại phong trào chống chính phủ nổ ra từ mùa hè năm nay. Xuống đường tái diễn ở Istanbul, thủ đô Ankara và thành phố lớn thứ ba Izmir hôm 27-12. Phát biểu cùng ngày trước những người ủng hộ, ông Erdogan nhấn mạnh đây là mưu toan nội công ngoại kích nhằm hạ uy tín chính phủ của ông trước kỳ bầu cử địa phương vào tháng 3 tới và quả quyết chiến đấu tới cùng.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận được sự trung thành của các tín đồ Hồi giáo sùng đạo và tầng lớp giàu có trong nước. Erdogan đáp trả các vụ bắt bớ hôm 17-12 bằng cách sa thải và điều chuyển 70 người trong số sĩ quan cảnh sát tham gia điều tra. Ông gọi công việc của họ là “ô uế”, thể hiện sự đương đầu không khoan nhượng với bộ máy tư pháp. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng có truyền thống can thiệp chính trường nhưng khả năng này đã bị bẻ gãy trong hơn 10 năm cầm quyền của ông Erdogan.
Các nhà quan sát nhận định vụ tai tiếng này có thể xuất phát từ cuộc đấu đá giữa Thủ tướng Erdogan và Fethullah Gulen - một giáo sĩ có thế lực đã sống tại Mỹ từ năm 1999 sau khi bị chính phủ cáo buộc toan tính thành lập nhà nước Hồi giáo. Ông Gulen bác bỏ mọi sự liên quan đến cuộc điều tra hiện nay dù nhân vật này có rất nhiều tín đồ nằm trong lực lượng cảnh sát và bộ máy tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc khủng hoảng đã tạo ra một hình ảnh tương phản với những gì Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi: Kiến tạo một đất nước thịnh vượng với phần lớn là người Hồi giáo dựa trên các nguyên tắc dân chủ; đáp ứng kỳ vọng của Mỹ và châu Âu như một lực lượng bảo vệ an ninh ở Trung Đông hỗn độn và với tư cách là thành viên NATO, đóng vai trò quan trọng trong giải quyết xung đột ở Syria, Ai Cập cũng như chương trình hạt nhân của Iran. Và giữa lúc ông Erdogan vật lộn để giữ lấy sinh mạng chính trị thì vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực cũng như quan hệ với phương Tây trở thành một dấu hỏi lớn, lơ lửng.
Bình luận (0)