1-9 cũng chính là ngày trẻ em xứ sở mặt trời mọc “hết muốn sống” nhất so với những ngày còn lại trong năm.
“Địa ngục” trần gian
Một nghiên cứu năm 2015 do Văn phòng Nội các Nhật công bố sau khi khảo sát hơn 18.000 vụ trẻ tự tử trong giai đoạn 1972-2013 cho thấy 131 trường hợp rơi vào ngày 1-9 - nhiều hơn 32 vụ so với ngày tự tử nhiều thứ hai.
Nghiên cứu cũng phát hiện số vụ tự tử cao hơn rõ rệt vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 và giữa tháng 4. Trong 2 mốc thời gian chết chóc này, một trùng với ngày khai giảng sau kỳ nghỉ hè, một đúng thời điểm các trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Xuân.
2014 là năm đầu tiên ghi nhận tự tử là nguyên nhân tử vong cao nhất của thiếu niên 10-19 tuổi ở Nhật. Trong khi đó, nhóm tuổi 10-24 có khoảng 4.600 vụ chết vì tự tử mỗi năm, cùng 157.000 trường hợp nhập viện vì tự gây thương tích.
Cho dù số vụ tự tử nói chung ở Nhật Bản - nước đứng thứ 3 về tỉ lệ người tự tử trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) - ít nhiều giảm dần trong những năm gần đây nhưng vẫn gia tăng một cách đáng lo ngại trong nhóm dân số ở lứa tuổi tới trường. Theo nghiên cứu của GS Kenzo Denda thuộc ĐH Hokkaido, cứ 12 học sinh (HS) tiểu học ở Nhật thì 1 em mắc chứng trầm cảm, 1/4 HS trung học cũng là nạn nhân.
Giới chức Nhật Bản tập trung vào giả thuyết rằng những vấn đề liên quan tới trường học, như nạn bắt nạt, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tự tử học đường. Với nạn nhân bị bắt nạt, trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài chẳng khác nào quay lại địa ngục trần gian. Tổng hợp của cảnh sát từ những bức thư tuyệt mệnh của các ca tự tử cho thấy số HS “nghĩ quẩn” xuất phát từ áp lực trường lớp ngày càng tăng.
“Bộ đồng phục trường học nặng nề như áo giáp. Em không thể tiếp tục chịu đựng không khí trường lớp. Em từng nghĩ đến chuyện tự vẫn vì như vậy còn dễ dàng hơn. Em nghĩ sẽ tự kết liễu vào ngày 1-9, chính là hôm tựu trường” - trải lòng của nam sinh Masa với BBC ít nhiều phơi bày góc tối của học đường.
Cùng cảnh ngộ, Nanae Munemasa, một nữ sinh trung học thường xuyên trốn học và từng có ý định tìm đến cái chết vì những trò bắt nạt quái đản của các bạn mà em phải chịu đựng từ những ngày tiểu học, chia sẻ với CNN: “Kỳ nghỉ dài giúp chúng em được ở nhà. Nó còn hơn cả thiên đường đối với những HS thường xuyên bị ăn hiếp ở trường. Mùa hè kết thúc, tất cả phải trở lại trường. Cứ nghĩ tới chuyện bị bắt nạt, chúng em chỉ muốn tự tử để thoát khỏi tình cảnh này”.
Nữ sinh 17 tuổi này giải thích: “Ở Nhật, bạn phải hòa nhập với người khác. Nếu không, bạn sẽ thành kẻ vô hình hoặc đối tượng bị ăn hiếp. Bạn phải theo quan điểm chung và điều này vùi dập một cách tàn nhẫn cá tính của mỗi người”.
Cho rằng trường học không phải là nơi phải đánh đổi bằng tính mạng, nhiều bậc phụ huynh của những HS như Munemasa hay Masa quyết định thuận theo ý muốn từ chối đến trường của con em mình. Để nâng cao nhận thức về vấn đề này, Futoko Shimbun, tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản, còn có hẳn những chương trình khuyến khích nạn nhân bị bắt nạt nên tránh tới trường - điều không hề dễ dàng đối với một văn hóa từ lâu coi đi học là lựa chọn duy nhất.
Đấu trường sinh tử
Bước khỏi “địa ngục” trường học, những bạn trẻ đầy tổn thương này lại có nguy cơ sa vào “vòng tay” của một vấn nạn cũng nhức nhối không kém: “hikimori” - những người rút khỏi xã hội và khép mình trong thế giới riêng. Trong nỗ lực tìm lối thoát cho vấn đề tự tử trong giới trẻ, chính quyền Nhật cố gắng mở ra những diễn đàn thảo luận công khai về sức khỏe tâm thần nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả đáng kể.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, để đối phó, giới chức Bộ Giáo dục từ năm 2015 đã phát triển các ứng dụng điện thoại thông minh chống tự tử trong HS, sinh viên. Các ứng dụng do chính phủ phát triển, được lập trình để “bắt mạch” những từ ngữ liên quan đến tự tử mà HS, sinh viên sử dụng trên mạng xã hội, tin nhắn hay những tìm kiếm trên mạng internet trong máy điện thoại. Cảnh báo sẽ được gửi tới phụ huynh của những em được xác định có ý định tìm tới cái chết.
“Tôi ghét trường học” là những từ thường xuất hiện trong thư tuyệt mệnh để lại của các “thiên thần áo trắng” xứ kim chi. Theo đài PBS, sự căng thẳng và sợ hãi tới tuyệt vọng của HS Hàn Quốc chủ yếu xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt của nền giáo dục nước này. Thời điểm tan học thông thường của các trường vào khoảng 16 giờ hằng ngày nhưng những lớp dạy thêm hay các phòng tự học ít khi tắt đèn trước 23 giờ.
Ở Hàn Quốc, các vụ HS tự tử có xu hướng tăng cao vào khoảng tháng 11 - thời điểm diễn ra kỳ thi ĐH được ví như “đấu trường sinh tử”. Kỳ thi cực kỳ mệt mỏi kéo dài 8 giờ có thể định đoạt sự nghiệp tương lai, thậm chí ảnh hưởng tới cả chuyện hạnh phúc trăm năm của mỗi sĩ tử.
Các bậc cha mẹ ở đất nước nhân sâm đã đè nặng áp lực phải thành công lên con cái ngay từ nhỏ. Họ không ngừng thôi thúc con cái phải học giỏi, phải đạt điểm cao, phải đỗ ĐH tốt nhất để có một công việc kiếm được nhiều tiền trong tương lai - theo TS Kang-ee Hong, một chuyên gia tâm lý trẻ em Hàn Quốc. Sự quyết liệt của các bậc phụ huynh này lớn tới mức họ vượt qua cả những định kiến xã hội về việc “khám tâm thần”. Có điều, mục đích đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý không phải để tìm lại bình yên cho trẻ mà lại chỉ chăm chăm muốn “chúng đạt điểm số cao hơn”!
Ứng dụng chống tự tử bằng điện thoại di động nêu trên của Bộ Giáo dục Hàn Quốc được không ít người chào đón. Song, bộ này vẫn đang đối mặt những chỉ trích cho rằng họ không có giải pháp giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.
Kỳ tới: Ám ảnh khu rừng chết chóc
Lạc lõng
Theo giới chuyên gia tâm lý, sức nặng của lối suy nghĩ đề cao tập thể cố hữu trong xã hội Nhật, nơi cá nhân được khuyến khích hy sinh cho lợi ích của tập thể, dẫn tới sự lạc lõng của những cá nhân khác biệt và trẻ em sớm phải nếm trải mặt trái của vấn đề ngay trên ghế nhà trường. TS Ken Takaoka, chuyên gia tâm lý học trẻ em Nhật Bản, giải thích với CNN rằng chủ nghĩa tập thể bám rễ từ trong trường học và những em tách biệt sẽ “không được yên thân”.
Bình luận (0)