Cuộc trưng cầu dân ý trên được tổ chức một tuần sau cuộc bỏ phiếu tương tự tại vùng Catalonia - Tây Ban Nha, vốn khởi xướng từ một phong trào ly khai mang tên "Miền Nam là quốc gia của tôi".
Các thành viên phong trào ly khai cho biết họ tiến hành các cuộc thăm dò ở hơn 1.000 đô thị trên khắp các bang Rio Grande do Sul, Santa Catarina và Paraná - Brazil. Ông Celso Deucher, lãnh đạo phong trào ly khai, hy vọng thu thập được 3 triệu phiếu đồng thuận.
Tại các điểm bỏ phiếu ở TP Londrina thuộc bang Paraná, cử tri nói với giới truyền thông rằng họ vỡ mộng đối với chính phủ liên bang. Đơn cử, vụ bê bối tham nhũng đình đám với hàng chục chính trị gia và doanh nhân nhúng chàm khiến nhiều người bị bỏ tù hoặc truy tố.
Ông Acacio Fernandes Tozzini thuộc Đảng Dân chủ Xã hội phát biểu với báo mạng Redacaõ Bonde: "Đất nước rơi vào tình cảnh rối loạn chính trị đáng kinh ngạc, đến mức không thể cứu vãn được. Chúng tôi muốn thoát khỏi thủ đô Brasilia, Brazil đã tọt đến đỉnh cao tham nhũng".
Tổng thống Brazil Michel Temer đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của ông. Ảnh: REUTERS
Một số người khác phàn nàn rằng miền Nam của Brazil ít được hưởng lợi từ tiền thuế, phần lớn lợi ích rơi vào tay các vùng nghèo khó hơn ở phía Bắc - có quyền biểu quyết cao hơn so với miền Nam.
Đài BBC dẫn lời một người tên Paulo Mauricio Acquarole giải thích: "Nếu để ý đến 6 hoặc 7 bang ở phía Đông Bắc, chính quyền không cung cấp thuế thu nhập cho 3 bang miền Nam. Theo tỉ lệ, họ có số phiếu tương tự Rio Grande do Sul, Santa Catarina và Paraná".
Trước đây, miền Nam Brazil từng có xu hướng ly khai kể từ khi người đấu tranh cho sự thống nhất của Ý - ông Giuseppe Garibaldi - giúp Ý có được sự bán độc lập vào năm 1836. Năm 2016, một cuộc bỏ phiếu tương tự được phong trào "Miền Nam là quốc gia tôi" tiến hành vào tháng 10, thu được 617.500 phiếu. Hơn 95% cử tri ở 3 bang cho biết họ ủng hộ ly khai.
Một số người Brazil tin rằng phong trào ly khai lần này sẽ thành công, nhất là vì sự cấm đoán trong hiến pháp. Cụ thể, hiến pháp nêu rõ nước này "được hình thành từ sự kết hợp không thể tránh khỏi của các bang".
Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý là một dấu hiệu cho thấy sự tức giận của cử tri đối với chính phủ. Với các cử tri, chính phủ thất bại trong việc khắc phục tình trạng bạo lực trên khắp đất nước, không thể trấn áp cuộc suy thoái tồi tệ hơn một thế kỷ. Các nhà phân tích cho rằng vụ bê bối tham nhũng cũng đã phá huỷ sự ủng hộ đối với tầng lớp cầm quyền trước thềm cuộc bầu cử vào năm tới.
Bình luận (0)