Ngay cả hy vọng nhỏ nhoi đó cũng đang gặp một trở ngại rất lớn. Theo linh mục Vien The Nguyen, cha xứ nhà thờ Mary Queen, ở thành phố New Orleans, bang Louisiana, có khoảng 80% người Mỹ gốc Việt ở vùng vịnh Mexico sinh sống bằng những nghề liên quan đến ngư nghiệp như đánh bắt hải sản, tách thịt hàu, đóng gói tôm, kinh doanh cửa hàng hải sản và nhà hàng ăn uống.
Phần lớn ngư dân và lao động ngành chế biến hải sản người Mỹ gốc Việt ở Louisiana - bang chịu thiệt hại nặng nhất - biết rất ít tiếng Mỹ hoặc hoàn toàn không biết tiếng Mỹ.
Bị phạt vì không hiểu tiếng Mỹ
Thảm họa tràn dầu đã cướp mất miếng cơm manh áo của họ. Nay cơ hội được đền bù chút ít hoặc kiếm được một việc làm vừa sức cũng trở thành một chuyện vô cùng khó khăn do hàng rào ngôn ngữ và khác biệt văn hóa.
Khi chính quyền địa phương ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản trong vùng bị ô nhiễm dầu qua điện đài và đài phát thanh, khá đông ngư dân Mỹ gốc Việt không biết vì không hiểu tiếng Mỹ. Họ vẫn tiếp tục hành nghề. Tất nhiên họ bị lực lượng tuần duyên Mỹ bắt giữ tàu và phạt tiền. Nhưng đây chỉ là một chuyện nhỏ.
Chuyện lớn là họ phải vật lộn vất vả với thủ tục giấy tờ xin đền bù thiệt hại và xin đăng ký với BP làm những công việc liên quan đến vụ tràn dầu, như “hốt dầu”, làm vệ sinh thú vật bị nhiễm dầu.
Thứ ba tuần rồi, một báo cáo của Ủy ban Hạ viện Mỹ thông báo rằng ước tính Tập đoàn Dầu khí BP chỉ mới trả 71 triệu trong số 600 triệu USD tiền đền bù thiệt hại cho các nạn nhân vụ tràn dầu.
Ngư dân Mỹ gốc Việt biểu tình trên đại lộ Bayview ở Biloxi yêu cầu việc làm, hoãn thu nợ. Ảnh: Gulflive.com |
Đại diện BP khẳng định họ không từ chối bất cứ trường hợp nào nếu các tài liệu chứng cứ được cung cấp đúng quy định. Vấn đề ở đây là quy định của BP rất chi tiết, dài dòng và được viết bằng tiếng Mỹ, mà theo đài truyền hình CNN, ngay cả người Mỹ chính cống cũng hiểu mơ hồ. Ngư dân Mỹ gốc Việt tất nhiên gặp rất nhiều khó khăn để đáp ứng yêu cầu của BP.
Darryl Willis, Trưởng Ban Đền bù thiệt hại của BP, xác nhận có khoảng 7.000 đơn xin đền bù – tức phân nửa số đơn mà BP đã nhận - chưa được thanh toán vì người đứng đơn không thể cung cấp các tài liệu chứng minh rằng vụ tràn dầu ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Làm mồi cho “cá mập”
Dốt tiếng Mỹ, ngư dân Mỹ gốc Việt phải nhờ người khác giúp làm thủ tục xin bồi thường thiệt hại. Một số nhờ luật gia giúp họ hoàn thiện các loại giấy tờ. Trong số các luật gia này, theo linh mục Vien, có không ít kẻ xấu thừa nước đục thả câu.
Họ hứa hẹn đủ điều, bắt ngư dân ký những loại giấy tờ phức tạp nhưng thất hứa và lấy phí quá cao. Nhiều ngư dân không tin luật gia nữa và gọi họ là “bọn cá mập”.
Nhiều người đến Công ty Phát triển Cộng đồng Mary Queen Việt Nam (MQVN CDC) nhờ giúp đỡ. Tuan Nguyen, Phó Giám đốc MQVN CDC), 30 tuổi, cho biết công ty ông được thành lập sau trận cuồng phong Katrina quét qua Louisiana để giúp nạn nhân người Việt. Nay công ty làm công việc tư vấn và giúp đỡ ngư dân Mỹ gốc Việt.
Theo ông Tuan, công ty đã thuyết phục được ông Larry Thomas, một quan chức BP, tăng cường thuê mướn và đào tạo thông dịch viên song ngữ. Ông Thomas thừa nhận đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với cộng đồng người Việt và không ngờ gặp trường hợp khá đặc biệt này.
Ngoài MQVN CDC, cộng đồng người Việt còn có những hội đoàn và tổ chức thiện nguyện khác giúp đỡ đồng hương. Ví dụ như Hội Lãnh đạo trẻ Mỹ gốc Việt New Orleans, Louisiana và Hội Liên hiệp Ngư dân và Gia đình người Mỹ gốc Việt Mississippi (MCVAFF) ở Biloxi, bang Mississippi. Biloxi là vùng đất có 5.000 người Mỹ gốc Việt sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và kinh doanh chế biến hải sản.
Chị Celina Tran, 36 tuổi, một nhà môi giới nhà đất, tình nguyện làm việc cả ngày ở Hội MCVAFF. Chị đã chứng kiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn vì vay nợ ngân hàng để làm ăn.
Nhiều chủ tàu phải trả hằng tháng từ 10.000 đến 15.000 USD tiền lãi ngân hàng. Sự cố tràn dầu khiến họ thất nghiệp, mất doanh thu. BP bồi thường cho chủ tàu và thuyền trưởng mỗi người 5.000 USD/tháng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với chi phí hằng tháng gồm có tiền lãi ngân hàng, tiền học của con cái và nhiều chi phí khác. Đó là những người may mắn.
Có thông dịch cũng bó tay
Đầu tháng 6 vừa qua, nhà thờ Mary Queen tổ chức báo cáo tình hình tràn dầu của lực lượng tuần duyên, cơ quan bảo vệ môi trường và BP. Khoảng 200 ngư dân đến dự. Báo cáo viên là người Mỹ nói tiếng Mỹ. Ngư dân hỏi bằng tiếng Việt.
Linh mục Vien kể lại rằng trong suốt 3 giờ, ông phải chạy lên chạy xuống thông dịch từ tiếng Mỹ sang tiếng Việt và ngược lại, mồ hôi ướt đẫm trên trán. Ông nói : “Tìm từ ngữ chính xác để họ hiểu thật là mệt. Nhưng tôi cần phải nói làm sao để họ hiểu rõ vấn đề”.
Hầu hết ngư dân đều muốn biết BP có việc gì cho họ làm không. Hugh Depland, người phát ngôn của BP, hứa mở lớp huấn luyện hốt dầu và làm vệ sinh những nơi bị tràn dầu.
Vấn đề ở đây là người dạy và tài liệu đều dùng tiếng Mỹ. BP có mở một lớp huấn luyện bằng tiếng Việt nhưng theo linh mục Vien, không thành công.
Các thông dịch viên mà BP mướn vừa ít lại vừa thiếu kinh nghiệm, vốn tiếng Việt hạn chế. Chỉ sau 20 phút, một số ngư dân than phiền không hiểu gì cả.
BP đành trở lại với phương thức cũ, dạy bằng tiếng Mỹ. Thầy dạy thỉnh thoảng bảo ai không hiểu thì giơ tay, họ sẽ cho dịch lại bằng tiếng Việt. Linh mục Vien lo lắng: “Tôi không biết có bao nhiêu người hiểu. Những vật liệu mà họ tiếp xúc đều độc hại. Nếu họ không hiểu hết sẽ rất nguy hiểm”.
Kỳ tới: Bài học Exxon Valdez
Bình luận (0)