Tại châu Á, lớn nhất có lẽ là các cuộc tuần hành thu hút hàng chục ngàn người tại nhiều thành phố khắp Hàn Quốc.
Theo báo The Korea Herald, đám đông đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tăng lương tối thiểu, rút ngắn giờ làm việc và hủy bỏ kế hoạch cải cách bị xem là cho phép giới chủ dễ dàng sa thải người lao động hơn. Hàng ngàn cảnh sát đã được triển khai để bảo đảm an ninh nhưng không có đụng độ bạo lực xảy ra.
Tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản, khoảng 30.000 người đã tham gia cuộc tuần hành nhằm kêu gọi tăng lương, cải thiện chất lượng cuộc sống người lao động, đồng thời chỉ trích chính sách kinh tế của chính phủ, trong đó có quyết định tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chuyện “cơm áo gạo tiền”cũng là mối bận tâm hàng đầu của người lao động Thái Lan. Kết quả cuộc thăm dò 1.070 người lao động Thái Lan do Trường ĐH Suan Dusit tiến hành từ ngày 25 đến 30-4 cho thấy phần lớn họ phàn nàn về tình trạng lương thấp, nợ nần, bị giới chủ xử ép và nguy cơ mất việc về tay người lao động di cư nước ngoài.
Còn tại Malaysia, tăng lương tối thiểu là một trong 17 yêu cầu được đưa ra trong cuộc tuần hành của khoảng 300 người ở thủ đô Kuala Lumpur.
Trong khi đó, tại châu Âu, tâm điểm của các hoạt động nhân ngày Quốc tế Lao động năm nay vẫn là Nga. Hàng chục ngàn người đã tuần hành qua Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, mang theo các biểu ngữ kêu gọi cải thiện chuyện lương bổng và tạo thêm công ăn việc làm cho giới trẻ.
Ở Đức, các hoạt động kỷ niệm diễn ra yên bình hơn so với năm trước. Theo đài DW, chỉ có một số vụ bạo lực lẻ tẻ được ghi nhận ở TP Hamburg, nơi người tuần hành ném đá về phía cảnh sát và đốt một xe của chính quyền.
Đụng độ cũng xảy ra tại TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ khi cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông kỷ niệm ngày lễ tại Quảng trường Taksim.
Tại Mỹ, hàng ngàn người đã tham gia các cuộc tuần hành ở nhiều thành phố ngày 1-5 (giờ địa phương) để đòi tăng lương cho người lao động và ủng hộ kế hoạch cho phép hàng triệu người nhập cư trái phép tiếp tục ở lại làm việc của Tổng thống Barack Obama.
Các nhà tổ chức cho biết họ cũng lên tiếng phản đối giọng điệu công kích người nhập cư, người lao động và phụ nữ mà ứng viên tổng thống Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Trong khi đó, người lao động Venezuela được an ủi phần nào trong ngày Quốc tế Lao động năm nay khi Tổng thống Nicolas Maduro hôm 30-4 quyết định tăng lương tối thiểu lên thêm 30%. Quyết định này được đưa ra giữa lúc lạm phát tăng mạnh và tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đang khiến cuộc sống người dân Venezuela gặp không ít khó khăn.
Bình luận (0)