Một cuộc khảo sát 1.060 người Mỹ từ 13-17 tuổi mà Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện gần đây cho thấy 92% em lên mạng mỗi ngày. Trong số đó, 56% lướt web nhiều lần trong ngày, 24% kết nối Internet và mạng xã hội “gần như liên tục”.
Điện thoại thông minh chi phối
Các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố chủ chốt của hiện trạng này là sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của điện thoại thông minh (smartphone). Khảo sát chỉ ra 73% số em được hỏi sở hữu một chiếc smartphone, trong lúc 91% gắn bó với thế giới ảo bằng thiết bị di động.
Ngoài ra, khoảng 90% thanh thiếu niên dùng điện thoại để trao đổi tin nhắn và trung bình mỗi em nhận 30 tin nhắn hằng ngày. 1/3 trong số này dùng smartphone có cài các ứng dụng tin nhắn như WhatsApp hay Kik.
Vài năm trở lại đây, Facebook không ngừng than thở rằng họ đang mất dần những tín đồ trẻ tuổi bởi giới tuổi “teen” không muốn “chạm mặt” phụ huynh trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Pew tiết lộ dù không còn “lan nhanh như dịch bệnh” nhưng Facebook vẫn chi phối giới trẻ Mỹ bất chấp sự bùng nổ của nhiều mạng xã hội mới. Trong số những bạn trẻ được khảo sát, có tới 71% sử dụng Facebook và 52% dùng Instagram (mạng chia sẻ hình ảnh thuộc sở hữu của Facebook).
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều bạn trẻ láu cá không mấy khó khăn để “sống chung” với phụ huynh trên Facebook, như cài đặt chế độ để hiển thị thông tin phù hợp với từng đối tượng! Bên cạnh đó, chúng có thể thể hiện bản thân nhiều hơn trên một mạng xã hội khác. Hơn 2/3 giới trẻ Mỹ được khảo sát “bật mí” tham gia 2 mạng xã hội trở lên.
Theo nhà khoa học Lenhart, có một thực tế khá thú vị là các bạn trẻ ít tiền thường trung thành với Facebook hơn, trong khi những thanh thiếu niên rủng rỉnh “lang thang” cùng lúc trên Facebook lẫn các mạng xã hội khác, như Twitter.
So bì trên mạng
Sự xuất hiện của thế hệ “sáng đèn” trên mạng đang gây ra không ít nỗi lo, nhất là khi một nghiên cứu khác phát hiện mối liên hệ giữa Facebook với chứng trầm cảm. Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Cologne (Đức) không khẳng định sử dụng Facebook gây trầm cảm nhưng một số xu hướng của người dùng góp phần tạo nên cảm giác buồn bực và tự ti.
Theo nhà tâm lý học Peter Bieling, tác giả của nghiên cứu trên, Facebook vô tình tạo ra sự so bì không mấy dễ chịu giữa cộng đồng thành viên. Đó là khi chúng ta thấy cuộc sống của ai đó “lung linh” hơn và nhìn lại thực tại của mình một cách chán nản, từ đó có thể dẫn tới phiền muộn. Vấn đề là những gì chúng ta nhìn thấy ở “nhà” người khác trên thế giới ảo chỉ là một lát cắt nổi trội trong cuộc sống của họ. Ở đó, họ có quyền chọn khoe những điều khiến người khác ao ước và dễ ghen tị nhất.
“Họ đăng một bức ảnh với bó hoa tuyệt đẹp và khoe: Hoa chồng vừa tặng. Tuy nhiên, họ không kể hết toàn bộ câu chuyện, rằng chồng mua hoa để chuộc lỗi đêm qua về nhà trong tình trạng say bí tỉ và trong lúc loạng choạng còn giẫm chân lên cả chú mèo cưng” - ông Bieling nêu ví dụ.
Theo nhà tâm lý học này, nếu bạn không thể dẹp được thói “đứng núi này, trông núi nọ”, tốt nhất là nên nghỉ chơi Facebook vì hạnh phúc của chính bản thân.
Bình luận (0)