Quỹ Thomson Reuters đã rút ra kết luận trên khi công bố kết quả cuộc thăm dò 550 chuyên gia về các vấn đề phụ nữ hôm 26-6. Cũng theo cuộc thăm dò, Ấn Độ còn được xem là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các truyền thống văn hóa ảnh hưởng đến phụ nữ, như tảo hôn... Trong cuộc thăm dò tương tự cách đây 7 năm, Ấn Độ bị đánh giá là quốc gia nguy hiểm đứng hàng thứ tư đối với phụ nữ.
Giới chuyên gia nhận định rằng "sự lên hạng" không ai mong muốn nói trên cho thấy quốc gia Nam Á này chưa làm đủ để bảo vệ quyền của phụ nữ.
"Ấn Độ đã chứng tỏ sự không quan tâm và không tôn trọng phụ nữ. Nạn hiếp dâm, cưỡng hiếp trong hôn nhân, tấn công và quấy rối tình dục, hủ tục giết trẻ sơ sinh là nữ vẫn không hề giảm. Là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đi đầu trong lĩnh vực không gian và công nghệ, thật xấu hổ khi tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn diễn ra phổ biến" - ông Manjunath Gangadhara, một quan chức chính quyền bang Karnataka, nhận định với đài CNN.
Biểu tình phản đối nạn cưỡng hiếp ở Ấn Độ Ảnh: NAN
Kết quả cuộc thăm dò trên được công bố trong bối cảnh công chúng Ấn Độ ngày càng phẫn nộ trước một loạt vụ cưỡng hiếp kinh hoàng, khiến vấn đề bạo lực tình dục quay lại "ám" nước này.
Mặc dù Ấn Độ đã ban hành những đạo luật nghiêm ngặt hơn, cảnh sát nước này mỗi ngày nhận được tin báo về khoảng 100 vụ tấn công tình dục - theo số liệu thống kê chính thức. Riêng năm 2016, 39.000 vụ tấn công tình dục được trình báo cảnh sát, tăng 12% so với năm trước đó. Đứng ngay sau Ấn Độ lần lượt là Afghanistan, Syria, Somalia, Ả Rập Saudi, Pakistan, CHDC Congo, Yemen, Nigeria và Mỹ.
Mỹ là quốc gia phương Tây duy nhất trong tốp 10 nói trên, một phần vì phong trào #MeToo đình đám. Theo Quỹ Thomson Reuters, Mỹ bị xếp hạng 3 cùng với Syria xét về khía cạnh bạo lực tình dục, trong đó có cưỡng hiếp, quấy rối tình dục và các vụ án không được đưa ra công lý. Ngoài ra, Mỹ còn bị xếp hạng 6 về bạo lực phi tình dục.
Bình luận (0)