Tháng 6-2012, trong một nỗ lực thể hiện sự minh bạch được các nhà quan sát quốc tế đánh giá là hiếm hoi, Bộ Đất đai - Tài nguyên Trung Quốc công bố những số liệu thống kê cho thấy diện tích trồng trọt ở nước này sụt giảm rất nhanh do tình trạng ô nhiễm và sa mạc hóa. Trong đó, đáng lo nhất là vùng đất đen trù phú rộng chừng 22 triệu ha ở Đông Bắc Trung Quốc đang bị ảnh hưởng rất nặng.
Trùng hợp kỳ lạ
Vùng đất nêu trên là nơi sản xuất 30% nông sản cả nước, phần lớn là lúa và bắp. Nạn ô nhiễm đã tàn phá nghiêm trọng tài nguyên nước ngọt ở đây. Ngoài ra, do lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường bị hủy hoại, diện tích đất trồng trọt ngày càng bị thu hẹp.
Đó là một thách đố lớn đối với Bắc Kinh: Trong khi nguồn nước ngọt và đất trồng trọt ngày càng khan hiếm thì nhu cầu về thịt lại tăng từng năm. Biện pháp đối phó khủng hoảng thức ăn gia súc gần đây nhất là Trung Quốc bãi bỏ chính sách tự cung tự cấp giống ngũ cốc từ tháng 2-2014. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh hô hào và thúc đẩy công nghệ thức ăn gia súc nhưng không mấy thành công.
Bắp Mỹ sản xuất tại Trung Quốc
Ảnh: REUTERS
Liệu có mối liên hệ nào không giữa công trình nghiên cứu đất nông nghiệp tại Trung Quốc với những vụ trộm cắp giống bắp lai bị phát giác ở Mỹ?
Như đã đề cập, Robert Mo, Wang Lei và 4 đồng phạm tích cực ăn cắp giống bắp lai của 3 công ty Mỹ từ tháng 9-2011 đến tháng 10-2012. Mãi đến tháng 12-2013, âm mưu này mới bị phát giác. Một số bắp giống lai tốt nhất của Mỹ đã được chuyển về Trung Quốc bằng đường biển và đường hàng không.
Cũng trong khoảng thời gian nêu trên, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu nghiên cứu tình trạng đất nông nghiệp. Tiếp theo đó là sự bùng nổ trong sản xuất bắp lai ở Trung Quốc. Các nhà nông học Mỹ cho rằng không loại trừ khả năng nhờ ăn cắp được công nghệ sản xuất bắp giống Mỹ mà Trung Quốc đạt được thành tựu đáng kinh ngạc đó.
Hợp thức hóa việc ăn cắp?
Theo nhà báo Mara Hvistendahl ở tạp chí Science Magazine, Trung Quốc âm mưu ăn cắp bí mật công nghệ sinh học Mỹ còn bắt nguồn từ sự yếu kém của ngành này trong nước. Thiếu vốn đầu tư, thiếu sự gắn kết của các nhóm nghiên cứu và đặc biệt, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất lỏng lẻo là những điểm yếu cơ bản.
Từ năm 2001, Trung Quốc không tạo ra được giống bắp nào nổi bật. Trung Quốc có hàng ngàn công ty lai tạo giống nhưng hầu hết đều quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không thể chi phối thị trường. Phần lớn công nghệ mới chỉ phát triển ở dạng thử nghiệm cấp đại học và phòng nghiên cứu.
Ai cũng biết từ nghiên cứu khoa học đến kinh doanh phải mất 10-15 năm. Tháng 6-2013, Tập đoàn Beijing Dabeinong Technology Group Co. (DBN) bất ngờ tuyên bố chọn Công ty Bioceres của Argentina làm đối tác để thử nghiệm và sản xuất hạt giống bắp lai chịu hạn, chịu mặn. Công nghệ sinh học dùng trong dự án bao gồm các nghiên cứu về gien đậu nành, bắp của Trung Quốc và Argentina.
Tuyên bố của Tập đoàn DBN được tung ra gần như đồng thời với việc 3 công ty của Mỹ công bố hoàn tất công nghệ sản xuất những giống bắp lai chịu hạn và chịu mặn. Từ đây, nảy sinh nghi vấn DBN muốn hợp thức hóa việc ăn cắp công nghệ lai giống bắp OGM của Mỹ bằng sự hợp tác với một nước thứ ba.
Trong lĩnh vực trồng bắp lai, cốt lõi của việc nghiên cứu là tạo giao phấn. Đây là một tiến trình đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc. Mỹ là nước có nhiều công ty hàng đầu thế giới tạo bắp giống lai cao sản. Kinh nghiệm tại những công ty DuPont Pioneer, Monsanto và LG Seeds cho thấy họ mất từ 5 đến 8 năm mới có thể tạo giao phấn một giống bắp lai hiệu quả.
Phí tổn cho việc nghiên cứu và phát triển giống bắp lai mới bình quân từ 30 triệu đến 40 triệu USD. Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền cũng khó làm nên chuyện nếu không có sự phối hợp ăn ý giữa các ngành và đại học liên quan. Tiền thì Trung Quốc không thiếu nhưng sự đồng bộ thì họ quá thiếu, trong khi sự bức bách về nhu cầu thịt lại rất lớn khiến Bắc Kinh đẩy mạnh gián điệp thương mại để tránh lệ thuộc vào nước ngoài và đạt mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nước nhà.
Zhang Kai, chuyên gia về công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, chỉ ra rằng có thể tiết kiệm được thời gian nghiên cứu và tiền bạc “khủng” nếu giao phấn hạt giống lai ăn cắp được. Đó là điều mà Robert Mo và đồng phạm đã thực hiện ngay tại Mỹ dưới vỏ bọc Công ty Kings Nower Seeds S&T, chi nhánh của Tập đoàn DBN ở Mỹ, trong một thời gian khá dài trước khi âm mưu bị bại lộ.
Ông Joel Brenner, Giám đốc Văn phòng Phản gián Mỹ, nhấn mạnh rằng tình báo Trung Quốc xưa nay rất quan tâm đến công nghệ mới của Mỹ. Nó lấp lỗ hổng công nghệ mới trong nước và nâng sức cạnh tranh của Trung Quốc trên thế giới. Cho nên, việc Trung Quốc chuyển các hoạt động tình báo quân sự và kinh tế bấy lâu sang lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian gần đây là điều không có gì lạ.
7 công nghệ Mỹ trong tầm ngắm Trung Quốc
Theo Văn phòng Phản gián Mỹ, tình báo Trung Quốc đã và đang nhắm vào 7 loại công nghệ Mỹ sau đây:
- Công nghệ thông tin và truyền thông: Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của “Dự án 863” bí mật mà Trung Quốc đề ra từ năm 1978.
- Kỹ thuật quân sự: Công nghệ chế tạo tàu tuần tiễu đại dương và máy bay không người lái là mục tiêu ưu tiên.
- Công nghệ sạch: Đó là các hệ thống làm giảm carbon dioxide và các khí thải độc hại khác.
- Vật liệu mới và công nghệ sản xuất: Đây cũng là mục tiêu của “Dự án 863”.
- Công nghệ chăm sóc y tế và bào chế dược phẩm: Để nghiên cứu và phát triển một loại dược phẩm, vốn đầu tư lên đến 1 tỉ USD. Đổi lại, người đầu tư nắm độc quyền và thu lợi rất cao.
- Công nghệ nông nghiệp: Vụ ăn cắp bắp giống là một ví dụ.
- Thông tin về năng lượng và tài nguyên: Đặc biệt là các dự án và công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí của các công ty Mỹ.
Bình luận (0)