Theo 2 tài liệu mật được báo The Guardian (Anh) tiết lộ hôm 20-6, Tòa án theo dõi tình báo nước ngoài (FISC) vào tháng 7-2009 đã phê chuẩn một số chính sách cho phép NSA thu thập, lưu giữ và phân tích những thông tin về người Mỹ bất chấp Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức tính báo hàng đầu khẳng định rằng các chương trình theo dõi của NSA không nhằm vào công dân mình.
Theo số tài liệu này, NSA được giữ lại thông tin có thể chứa những chi tiết cá nhân về công dân Mỹ tối đa là 5 năm, đồng thời được phép chia sẻ chúng với Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
NSA đang thu thập, lưu giữ và phân tích những thông tin về người Mỹ
bất chấp những tuyên bố ngược lại của Washington Ảnh: Reuters
Ngoài ra, NSA được phép giữ lại và khai thác những cuộc trao đổi trong nước vô tình bị thu thập được nếu chúng có chứa thông tin tình báo có thể sử dụng, thông tin về hoạt động tội phạm, mối đe dọa đến tài sản hoặc người dân, những thông tin được mã hóa hoặc được tin là có chứa nội dung liên quan đến chuyện an ninh mạng.
Những dữ liệu này sẽ bị phá hủy một khi các nhà phân tích xác định chúng không có giá trị tình báo nước ngoài nào (chẳng hạn như không liên quan đến gián điệp, khủng bố) hoặc không chứa đựng bất kỳ thông tin nào về hành động tội phạm.
NSA cũng có quyền truy xuất nội dung giao tiếp được thu thập từ các loại máy hoặc các số điện thoại đặt tại Mỹ để xác định xem liệu có mục tiêu nào nằm ở Mỹ hay không để quyết định chấm dứt theo dõi.
Những tiết lộ mới trên chắc chắn sẽ châm ngòi cho các cuộc tranh luận mới về hoạt động theo dõi của NSA ngay khi vấn đề này tưởng chừng như đang bắt đầu lắng dịu.
Bình luận (0)