“Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là cách đây 2 năm trước ở một tỉnh gần đây. Tôi cảm thấy rất sợ hãi và lo lắng vì đó là lần đầu tiên” – cô Maria, thành viên đội sát thủ hợp đồng của chính phủ Philippines, kể lại. Maria cùng 2 phụ nữ cùng đội rất được trọng dụng bởi họ có thể đến gần nạn nhân mà không khiến bất kỳ ai nghi ngờ.
Kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức và thúc giục người dân lẫn cảnh sát thẳng tay với những kẻ buôn ma túy, cô Maria đã giết thêm 5 người nữa. Tất cả đều bị bắn vào đầu. Khi được hỏi ai là người ra lệnh thực hiện các vụ ám sát, cô nói: “Ông chủ của chúng tôi, các nhân viên cảnh sát”.
Cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi tại Philippines đã đem đến cho cô Maria công việc nhưng cũng có không ít khó khăn. Mọi chuyện bắt đầu từ khi chồng Maria nhận nhiệm vụ giết con nợ kiêm kẻ buôn ma túy của một cảnh sát. Đây chỉ là một nhiệm vụ bình thường của chồng cô đến khi một tình huống khó khăn hơn bất ngờ nảy sinh.
“Một lần nọ, họ cần một người phụ nữ và chồng tôi tiến cử tôi cho nhiệm vụ đó. Khi nhìn thấy người đàn ông mình cần giết, tôi đến gần ông ta và nổ súng”.
Cô Maria là thành viên đội sát thủ hợp đồng của chính phủ Philippines. Ảnh: Carlo Gabuco
Trước khi trở thành sát thủ hợp đồng, Maria và chồng sống tại một khu phố nghèo của thủ đô Manila và không có thu nhập ổn định. Họ kiếm được khoảng 430 USD mỗi hợp đồng, chia đều cho 3 hay 4 người trong đội. Đối với Philippines, đây là một mức lương thấp nhưng có vẻ như Maria không còn con đường nào khác.
Giết người theo hợp đồng không phải là điều gì mới mẻ ở Philippines. Nhưng giờ đây, những biệt đội sát thủ đang trở nên bận bịu hơn bao giờ hết qua thông điệp quá rõ ràng của Tổng thống Duterte.
Trước khi lên làm tổng thống, ông Duterte từng hứa hẹn sẽ tiêu diệt100.000 tội phạm trong 6 tháng đầu của nhiệm kỳ, đồng thời đặc biệt cảnh báo những kẻ buôn ma túy: “Đừng hủy hoại đất nước của tôi, bởi vì tôi sẽ giết chết các người”.
Vào tuần trước, ông Duterte tái khẳng định quan điểm của mình khi bảo vệ các vụ giết người ngoài vòng pháp luật: “Liệu mạng sống của 10 tên tội phạm này có đáng không? Nếu tôi là người phải đối mặt với tất cả nỗi đau này, liệu sinh mạng của 100 kẻ ngu ngốc đó có ý nghĩa gì với tôi không?”.
Một góc khu ổ chuột tại Philippines. Ảnh: Carlo Gabuco
Chính ma túy đá đã khiến vị tổng thống của Philippines phải tiến hành chiến dịch không khoan nhượng như vậy. Chúng thường được gọi là “shabu” tại Philippines. Rẻ, dễ sản xuất và độ gây nghiện cực cao, ma túy đá khiến cho người dùng cảm thấy hưng phấn ngay lập tức như được thoát khỏi cuộc sống ở những khu ổ chuột.
Ông Duterte gọi ma túy đá là một đại dịch ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Philippines. Tệ hơn nữa là nó còn rất có lợi nhuận. Tổng thống Philippines từng liệt kê 150 quan chức cấp cao, cảnh sát và thẩm phán dính dáng đến đường dây buôn ma túy, trong đó có 5 người còn là trở thành trùm.
Theo thống kê của cảnh sát, hơn 1.900 người đã bị giết trong những vụ án liên quan đến thuốc phiện kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền ngày 30-6. Trong số đó, có 756 vụ do cảnh sát ra tay vì chống đối. Những cái chết còn lại đang được điều tra chính thức.
Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết những vụ trên đều không được giải thích. Hầu như tất cả những thi thể đầy máu được phát hiện hằng đêm ở thủ đô Manila và những thành phố khác đều là người nghèo: người đạp xích lô, lao động bình thường hay người thất nghiệp. Bên cạnh xác của họ là những tấm biển cảnh báo người dân không được dính dáng đến ma túy. Cuộc chiến chống ma túy của Philippines đang diễn ra ở những vùng nghèo đói nhất của đất nước còn những người như cô Maria chính là “đặc vụ”.
Bình luận (0)