xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nước Nga giận dữ sau vụ đại sứ bị ám sát

LỤC SAN

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố không thỏa hiệp trong cuộc chiến chống khủng bố

Linh cữu Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov được đưa về nước trong ngày 20-12, một ngày sau khi ông bị ám sát tại thủ đô Ankara. Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là hành động khủng bố.

Đại sứ Karlov bị bắn trọng thương sau khi phát biểu tại buổi khai mạc cuộc triển lãm ảnh về nước Nga, sau đó qua đời tại bệnh viện. Nghi phạm được xác định là nhân viên cảnh sát Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi. Trước khi ra tay, y đứng ngay sau lưng ông Karlov, trông giống như người bạn hoặc vệ sĩ. Phóng viên ảnh hãng AP Burhan Ozbilici tường thuật y đã bắn ít nhất 8 phát đạn. Mọi người la hét và chạy trốn, có người nằm lăn ra sàn nhà.

Hoảng sợ và lúng túng nhưng ông Ozbilici vẫn bấm máy sau khi tìm được chỗ nấp sau bức tường trong khi vị đại sứ nằm cách ông vài bước chân, còn hung thủ vung vẩy khẩu súng và đập vỡ khung một số bức ảnh treo trên tường. “Lúc đó, tôi nghĩ: Tôi ở đây. Dù có bị bắn, bị thương, thậm chí bị giết thì vẫn là một nhà báo. Tôi phải làm công việc của mình. Tôi có thể bỏ chạy mà không cần chụp ảnh… nhưng sẽ không thể trả lời được nếu sau này có ai đó hỏi: “Sao ông không chụp?”. Tôi nghĩ tới các bạn bè và đồng nghiệp, những người đã chết khi chụp ảnh ở những vùng chiến sự nhiều năm qua” - phóng viên ảnh của AP bộc bạch.

Nghi phạm sau đó đấu súng với cảnh sát trong khoảng 15 phút trước khi bị bắn chết, theo đài RFE/RL. Báo MK (Nga) đưa tin động cơ vụ ám sát này là trả thù sự can dự của Nga vào cuộc chiến ở Syria. Các nhân chứng kể hung thủ đã la lớn “Aleppo” và “trả thù” sau khi bắn ông Karlov. Y cũng hô to: “Đừng quên Aleppo, đừng quên Syria” và thốt lên “Allahu Akbar” (Thượng đế vĩ đại).

Mevlut Mert Altintas bắn lén Đại sứ Andrei Karlov từ phía sauẢnh: AP
Mevlut Mert Altintas bắn lén Đại sứ Andrei Karlov từ phía sauẢnh: AP

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 6 người có liên quan đến Altintas, trong đó có cha, mẹ và em gái nghi phạm. Ngoài ra, tùy viên báo chí Đại sứ quán Nga ở Ankara Irina Kasimova cho biết một đội ngũ điều tra Nga - gồm 18 thành viên các cơ quan tình báo, Ủy ban Điều tra và Bộ Ngoại giao Nga - đã đến Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong ngày 20-12 để tham gia điều tra.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, thông báo Moscow áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh cho các cơ sở ngoại giao của Nga ở nước ngoài. Nhà chức trách Ai Cập cũng tăng cường an ninh tại các tòa nhà là nơi tọa lạc văn phòng đại diện các tổ chức của Nga. Nhiều nước đã gửi lời chia buồn đến Nga, đồng thời lên án vụ khủng bố nói trên.

Trong khi đó, phong trào của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen quả quyết không dính dáng đến vụ ám sát, theo ông Alp Aslandogan, cố vấn của giáo sĩ Gulen. Ông này tuyên bố với Reuters rằng người ta đưa ra cáo buộc như vậy nhằm khỏa lấp tình trạng an ninh lỏng lẻo.

Ngay sau vụ ám sát Đại sứ Karlov, giới lãnh đạo Nga đã nêu bật quyết tâm tiêu diệt khủng bố. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ ám sát là hành động khiêu khích nhằm phá hoại quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực tìm giải pháp cho tình hình Syria. Trong khi đó, Viện Xã hội Nga đánh giá vụ việc là tội ác chống lại đất nước, nhân dân Nga cũng như kêu gọi tăng cường cuộc chiến chống khủng bố quốc tế trên nguyên tắc không khoan nhượng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố vụ việc trên nhắc mọi người nhớ rằng không được thỏa hiệp trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ai đứng sau vụ này?

Hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng ai đứng sau vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Frantz Klintsevich, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, không ngần ngại nói tình báo của một quốc gia thành viên NATO nào đó tiến hành vụ tấn công.

“Đây là hành động được lên kế hoạch từ trước. Mọi người đều biết ông ấy sẽ tới cuộc triển lãm ảnh này. Kẻ đứng sau có thể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lực lượng dân quân người Kurd đang tìm cách phá hoại uy tín của Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, cũng có khả năng rất cao là lực lượng tình báo bí mật của NATO ở nước ngoài đứng sau vụ này. Đây là hành động khiêu khích đầy thách thức. Đây sẽ là một thách thức với Nga” - ông Klintsevich lên tiếng. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cho rằng vụ sát hại này là hậu quả của những nỗ lực “đổ lỗi cho Nga về những tội lỗi mà chúng ta không phạm phải”. Theo ông Pushkov, phương tiện truyền thông phương Tây đã bóp méo hình ảnh thật sự ở Aleppo dẫn đến hành động khủng bố trên.

Điều dư luận quan tâm lúc này là Nga sẽ đáp trả thế nào. Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đã chỉ ra một số hệ lụy có thể xảy ra từ vụ tấn công liều lĩnh và gây sốc nói trên: Tin tặc Nga tấn công Thổ Nhĩ Kỳ; quan hệ chỉ mới nồng ấm trở lại gần đây giữa Moscow và Ankara có thể đổ vỡ, khiến sức ép kinh tế lại đè nặng lên Thổ Nhĩ Kỳ; lệnh ngừng bắn tại TP Aleppo sụp đổ…

Dù vậy, một số chính trị gia và nhà phân tích ở Moscow lại không bi quan đến thế. Họ nhận định với trang Bloomberg rằng tiến trình cải thiện quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chệch hướng. Không những thế, theo nhà phân tích Elena Suponina của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, vụ việc sẽ càng khiến 2 nước xích lại gần nhau hơn bởi chỉ có thế mới chống được kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố.

Nói vậy không có nghĩa Moscow bỏ qua cho Ankara. Ông Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Nga về Chính sách quốc phòng và ngoại giao, cho rằng Nga sẽ không công khai gây quá nhiều sức ép lên ông Erdogan vì không muốn làm tổn hại quan hệ song phương. Tuy nhiên, ở hậu trường, Moscow sẽ thúc ép Ankara tăng cường “dẹp loạn” trong nước bởi vụ ám sát là bằng chứng cho thấy căng thẳng trong lòng quốc gia này đang dâng cao.

Trong lúc quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ khó bị vạ lây, tác động của vụ tấn công có thể được cảm nhận nhiều hơn tại Syria, theo một số nhà phân tích. “Không quốc gia nào có thể tha thứ cho hành động sát hại đại sứ của mình… Nga sẽ dốc toàn bộ sức mạnh quốc phòng để loại bỏ bọn khủng bố ở Syria” - chuyên gia tư vấn chính trị Dmitry Fetisov dự báo. Trước mắt, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran ngày 20-12 vẫn nhóm họp tại Moscow để bàn về tình hình Syria như kế hoạch - một dấu hiệu cho thấy Nga vẫn đang chờ kết quả cuộc điều tra vụ ám sát trước khi có bước đi phù hợp.

Hoàng Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo