Lễ bàn giao tàu sân bay tân trang từ chiếc Varyag mua lại của Ukraine diễn ra hôm 24-9 tại cảng Đại Liên, theo bản tin ngắn của Thời báo Hoàn Cầu. Cũng theo bản tin này, một buổi lễ khác chính thức đưa tàu vào hoạt động sẽ được tổ chức sau nhưng không cho biết cụ thể khi nào. Chiếc tàu sân bay này vừa hoàn tất cuộc chạy thử cuối cùng lần thứ 10 ngày 3-9 vừa qua.
Bắc Kinh cần tàu sân bay
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận về sự kiện được cho là khá bất ngờ này vì trước đó có tin cuối năm mới biên chế con tàu vào hải quân. Việc con tàu vẫn chưa có tên chính thức cho thấy điều đó. Hiện nay nó mang tên “số 16”.
Cuộc sửa chữa, tân trang chiếc Varyag được thực hiện tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, từ năm 2002. Trong suốt thời gian này, những thông tin liên quan đến “niềm tự hào của Trung Quốc” đều thuộc dạng “tin tình báo phương Tây” hoặc “tin hành lang” chứ Trung Quốc không hé môi. Mãi đến lúc chạy thử lần đầu hồi tháng 8 năm ngoái, báo chí Trung Quốc mới chính thức đưa tin.
Trong bối cảnh căng thẳng chuyện tranh chấp chủ quyền các đảo với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, theo nhận định của tờ Daily Times của Pakistan, việc vội vàng biên chế chiếc tàu sân bay “số 16” đã làm các cường quốc trong khu vực và Mỹ quan ngại với câu hỏi “tại sao Bắc Kinh cần tàu sân bay?”
Nhật báo Người đưa tin New Zealand gần đây giải thích rằng Trung Quốc khẳng định nguồn tài nguyên khu vực này là của họ. Do đó, họ muốn chiếm thế “thượng phong” và không ngần ngại dùng lực lượng hải quân hùng mạnh để đạt được mục đích.
Bên cạnh tàu nổi dễ thấy, dễ dùng số lượng để hù dọa, người ta cũng chứng kiến cuộc đua chế tạo và mua sắm tàu ngầm âm thầm trong khu vực.
Ấn Độ cho biết tin tặc từ Trung Quốc đã tấn công bộ chỉ huy hải quân của họ. Báo Nhật Bản tiết lộ 40 máy tính của 7 cơ sở đóng tàu ngầm của hãng Mitsibishi ở Kobe cũng bị tin tặc tình nghi là từ Trung Quốc tấn công bằng mã độc.
Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hiện có 64 chiếc, nhiều nhất trong khu vực hải giám và đang đóng thêm tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo. Nhật Bản cho biết từ nay đến năm 2020 sẽ nâng số tàu ngầm hiện có từ 16 lên 22 chiếc. Ấn Độ đang tự đóng 6 tàu ngầm mới. Indonesia mua thêm 3 chiếc. Thái Lan dự định mua 6 chiếc của Đức. Philippines cũng tính mua 1 chiếc. Malaysia đã mua 2 chiếc của Pháp.
Theo nhà báo Kamil Tazi của đài phát thanh Luxeradio, tham vọng Trung Quốc ở biển Đông ngày càng lộ rõ đã khiến các nước láng giềng hiện đại hóa hải quân của họ. Tất nhiên, các nước nhỏ không thể kình chống ngang ngửa với Trung Quốc nhưng theo nhà báo Mỹ Daniel Wagner viết trên trên tờ Huffington Post, lực lượng tàu ngầm của các nước nhỏ tạo một ảnh hưởng nhất định đến môi trường hải quân trong khu vực.
Tàu sân bay số 16 tại cảng Đại Liên. Ảnh: GT
Hải chiến Trung - Nhật?
Trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang dấy lên mối lo ngại nếu không kiềm chế có thể xảy ra một trận hải chiến Trung - Nhật ngay trong năm nay.
Trong mấy ngày qua, tàu hải giám Trung Quốc và tàu Đài Loan liên tục thực hiện “sứ mệnh khẳng định chủ quyền” quần đảo khiến lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) phải đối phó khá vất vả. 20 thành viên JCG đã có mặt trên đảo để ngăn chặn âm mưu đổ bộ của thuyền viên Đài Loan.
Nếu xảy ra hải chiến - điều mà chẳng ai muốn - ai sẽ thắng? Nhà báo James R. Holmes nhận định trên tạp chí Foreign Policy: “Về số lượng, rõ ràng Trung Quốc có ưu thế với 73 tàu chiến lớn, 84 tàu tuần duyên trang bị tên lửa và 64 tàu ngầm. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ có 48 tàu chiến lớn, 16 tàu ngầm chạy bằng điện và diesel”.
Bình luận (0)