Trong báo cáo có tiêu đề “Cán cân quân sự năm 2012”, Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) có trụ sở chính ở London - Anh nhận định rằng một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở châu Á, với một bên là Trung Quốc và bên kia là các nước châu Á láng giềng.
Do đâu Mỹ trở lại châu Á -Thái Bình Dương?
Việc Trung Quốc tăng chi phí quân sự gấp nhiều lần chính là lý do để các nước trong khu vực quan ngại, buộc phải tăng chi phí quốc phòng để bảo vệ lợi ích quốc gia, theo IISS. Kokoda Foundation, một tổ chức tư vấn quốc phòng có ảnh hưởng lớn ở Úc, mới đây cũng nhận định: “Mối đe dọa Trung Quốc đã châm lửa cho nhu cầu khẩn cấp tái tập trung phát triển quân sự để đối phó với sự phát triển nhanh chóng của quân đội nước này”.
Báo cáo tháng 3-2012 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) - Thụy Điển cũng có một đánh giá tương tự. Nó khiến châu Á trở thành khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất. 5 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất năm 2011 đều ở châu Á.
Mối đe dọa Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến Mỹ trở lại mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương và hưởng lợi từ việc bán vũ khí cho các nước châu Á, theo SIPRI. Điều này đã được ông Trần Hướng Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị Thế giới của Trung Quốc, nhìn nhận trong một bài báo đăng trên tạp chí Global Research. Tuy nhiên, cách lý giải sự trở lại của Mỹ của ông Dương hoàn toàn khác 2 viện nghiên cứu phương Tây nói trên.
Ông Dương nói Trung Quốc không phải là nước có chi phí quân sự lớn nhất ở châu Á mà là Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan từ năm 2007 đến 2012. Tuy nhiên, ông Dương không nói gì về việc Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 6 thế giới, không còn nhập vũ khí từ lâu.
Ông Dương cũng so sánh năm nay, Trung Quốc chỉ tăng ngân sách quốc phòng có 11,2%, trong khi Ấn Độ tăng đến 17%. Thế nhưng, nhà nghiên cứu này lại không so sánh chi phí quân sự của Ấn Độ năm 2011 chỉ có 46 tỉ USD, trong khi Trung Quốc chi đến 143 tỉ USD.
Về nguyên nhân khiến châu Á chạy đua vũ trang, ông Dương lập luận rằng đó là do “thiếu sự tín nhiệm, hiểu lầm và nghi ngờ (Trung Quốc) bởi hợp tác an ninh giữa các nước châu Á không theo kịp đà phát triển của hợp tác kinh tế”. Ông Dương gọi đó là biểu hiện của tình trạng “tiến thoái lưỡng nan về an ninh”.
Vai trò của F-35 ở châu Á
Các nhà nghiên cứu ở Viện Lexington (LI), một tổ chức tư nhân chuyên nghiên cứu về chính sách công của Mỹ, trong đó có vấn đề an ninh nước Mỹ, đã có một cái nhìn sâu xa hơn về sự trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Sau khi không còn bận tâm mấy với cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự ở châu Âu, Mỹ không ngừng tập trung vào châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng vì lý do an ninh, kinh tế, chính trị và dân số. Việc Trung Quốc đầu tư lớn để tăng cường khả năng quân sự, theo Mỹ, tạo ra mối đe dọa làm xói mòn sự ổn định tương đối của khu vực.
LI cho rằng việc Mỹ bán vũ khí và đầu tư kỹ thuật trong khu vực là yếu tố quan trọng để cân bằng cán cân quân sự trong khu vực, khiến Trung Quốc e dè trong việc dùng vũ lực để đạt các mục tiêu chính trị. Khi nhiều nước trong khu vực sử dụng chung một hệ thống khí tài (của Mỹ) thì lực lượng quân sự Mỹ hành động có hiệu quả hơn.
Kinh nghiệm trên, Mỹ đã có được trong 50 năm chiến tranh lạnh với Liên Xô. Khối quân sự NATO do Mỹ cầm đầu đồng nhất về vũ khí , chiến thuật và chiến lược đã giúp Mỹ kiềm chế được Liên Xô. Giờ đây, Mỹ muốn dùng lại kinh nghiệm đó ở châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Bình luận (0)