Hoa hồng trong sa mạc
Trong lúc Syria đắm chìm trong máu lửa nội chiến, đệ nhất phu nhân Syria - bà Asma al-Assad, 36 tuổi, một người gốc Anh - đã bỏ ra hàng trăm ngàn USD để mua sắm những đồ dùng cá nhân. Tên bà đã bị liệt vào “danh sách đen” của EU một phần cũng vì máu me của một tín đồ mua sắm thực thụ.
Sinh ra và lớn lên ở Acton, phía Tây London, bà Asma lấy ông al-Assad năm 2000 - năm ông Hafez al-Assad, cha của al-Assad, qua đời ngày 10-6 vì bạo bệnh tạo điều kiện con trai “lên ngôi”.
Trước khi phe đối lập nổi dậy kêu gọi quần chúng xuống đường biểu tình chống lại chồng bà cách đây 17 tháng, đệ nhất phu nhân Asma nổi tiếng là một người đẹp cấp tiến, trân trọng những giá trị dân chủ. Người ta hy vọng rằng được chồng cưng chiều, bà sẽ góp phần đem lại làn gió mới cho gia đình và đất nước Syria. Lúc đó, tạp chí thời trang Vogue từng tôn vinh bà là “Hoa hồng trong sa mạc”.
Thế nhưng, đó chỉ là hy vọng hão huyền bởi bà phục tùng và ủng hộ chồng trong mọi trường hợp. Trong một tin nhắn gần đây gửi cho chồng, bà viết: “Nếu chúng ta mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Em yêu anh”. Cha của bà, Fawaz Akhras, bác sĩ tim mạch Bệnh viện Cromwell ở London, cũng thường xuyên tư vấn cho con rể cách đối phó với truyền thông.
Thời cuộc thay đổi nhưng lối sống xa hoa của bà vẫn như cũ. Bà liên tục mua sắm nữ trang, đồ dùng cá nhân qua mạng ở London và Paris. Vai trò của bà trong gia tộc al-Assad bị EU theo dõi chặt chẽ sau khi phe đối lập tiết lộ nội dung các e-mail (thư điện tử) đặt mua hàng của bà Asma cho thấy hành vi “thất nhân tâm” của đệ nhất phu nhân Syria.
Theo tờ The Guardian (Anh), bà từng đặt hãng giày Christian Louboutin đóng riêng cho bà một số giày trị giá 13.500 USD. Bà cũng mua qua mạng bàn ghế, đèn chùm và đế nến trị giá 46.000 USD của một cửa hàng nội thất cao cấp ở Paris. Bà cũng yêu cầu một tay cò nghệ thuật gom góp tranh trị giá từ 7.000 USD đến 55.000 USD. Là một người say mê nữ trang Pháp, bà Asma đặt mua một lúc 4 sợi dây chuyền đính kim cương đắt tiền.
Bà Asma không chỉ bị cấm đến các nước thành viên EU mà còn có thể bị truy tố vì vi phạm lệnh cấm vận kinh tế Syria. Một người Syria ở London tên là Hafaz nói bà Asma không được kiều dân Syria ở Anh ưa thích. Ông này bức xúc trên tờ The Telegraph: “ Hai vợ chồng ăn cắp tiền của Syria. Bà ấy phung phí số tiền đó ở London”.
Giữa tháng 7 vừa rồi, Chính phủ Anh tuyên bố đã tìm thấy và phong tỏa 157 triệu USD tài sản Syria trên đất Anh, đa số là tiền mặt ký gửi ở các ngân hàng Anh trong 14 tháng qua. Thụy Sĩ cũng cho biết đã phong tỏa 50 triệu franc Thụy Sĩ của al-Assad và các quan lớn Syria. Tuy nhiên, theo Ian Willis, trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty tình báo kinh doanh Alaco (Anh), đó chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm tài sản của ông al-Assad và gia đình, ước tính khoảng 1 tỉ đến 1,5 tỉ USD.
Số tiền khổng lồ nói trên không chỉ nằm trong tay ông al-Assad mà cả vợ, con, chú, bác... Nhất là Rami Makhlouf, chú ruột của al-Assad, người được cho là giàu nhất Syria với số tài sản ước tính 6 tỉ USD (theo tờ Paris-Match) vì kiểm soát 60% kinh tế Syria. Địa chỉ của số tài sản bí mật đó nằm ở Nga, Dubai, Lebanon, Morocco, thậm chí Hồng Kông và nhiều nơi khác, hầu hết nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ và EU.
Tìm thấy dấu vết tài sản của ông al-Assad và dòng họ do vậy là không dễ, theo ông Willis. Số tài sản ấy được cất giấu dưới nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tên tuổi khác nhau ở những địa chỉ phức tạp, phần lớn ở các “thiên đường trốn thuế”. Chúng không nằm một chỗ mà luôn luôn luân chuyển theo tư vấn của một nhóm chuyên gia tài chính có tài lách cấm vận quốc tế.
Ambrose Carey, một trong các giám đốc Công ty Alaco, nêu ví dụ trường hợp của Saddam Hussein. Ai cũng biết Saddam là cổ đông lớn của một tập đoàn xuất bản sách báo Pháp trị giá 100 triệu USD hồi thập niên 1990. Tuy vậy, hiện nay, chứng minh mối quan hệ giữa Saddam và số vốn đầu tư nói trên là cực kỳ khó khăn bởi lẽ tên cổ đông là một công ty đăng ký kinh doanh ở Panama nhưng có địa chỉ là văn phòng một luật gia ở Geneva (Thụy Sĩ). Mọi liên lạc đều qua một người đại diện cho Saddam.
Trường hợp của al-Assad còn khó hơn gấp nhiều lần vì phần lớn số tài sản nói trên dường như nằm trong các ngân hàng Nga.
Kỳ tới: 70 tỉ USD của nhà Mubarak đang ở đâu?
Bình luận (0)