Chung Sang-hoon là ông bố đầu tiên tại một công ty nước ngoài có tiếng ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc tạm gác công việc bán hàng trong 1 năm để chăm sóc con nhỏ theo luật lao động. Quyết định này cho phép ông không chỉ có thời gian nhiều hơn để chăm sóc con cái mà còn có thể sống vì những giá trị mình thấy quan trọng. “Tôi đồng ý nghỉ phép để chăm con là vì muốn mình khác với thế hệ của người cha” - người đàn ông 34 tuổi có vợ là giáo viên này cho biết.
Phân biệt đối xử
Những người như ông Chung vốn rất hiếm trong một xã hội mà nam giới giữ vai trò thống trị, đến nỗi họ được gọi là “ông bố siêu đẳng”. Tuy nhiên, số lượng ông bố loại này ngày càng tăng giữa lúc chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đối phó tình trạng tỉ lệ sinh sụt giảm và sự phân biệt đối xử với phụ nữ tại nơi làm việc. Tỉ lệ sinh của nước này thuộc số thấp nhất trong những quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Hàn Quốc ở vị trí 115/145 nước về chỉ số bình đẳng giới.
Nhiều phụ nữ đi làm lo ngại về nguy cơ bị giảm lương hoặc mất cơ hội thăng tiến nếu phải nghỉ thai sản để chăm sóc con nhỏ. “Toàn bộ nền kinh tế đang mất cân bằng. Nhiều phụ nữ có học vấn cao và làm việc hiệu quả nhưng toàn bộ gánh nặng của công việc nhà và chăm sóc con nhỏ đều đổ dồn lên họ. Trong khi đó, nam giới lại làm việc rất nhiều giờ” - bà Na Yeong-don, một quan chức cấp cao Bộ Lao động, nói với hãng tin Reuters.
Vì thế, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng thời gian nghỉ phép chăm sóc con nhỏ theo luật lao động có thể thúc đẩy tỉ lệ sinh, tạo điều kiện cho phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp. Ngoài ra, nhà chức trách Hàn Quốc còn tìm cách xóa bỏ những định kiến lỗi thời về cha mẹ đơn thân hoặc những cặp đôi chung sống không kết hôn.
Tăng cường hỗ trợ
Trước mắt, Seoul dự định mở rộng những biện pháp hỗ trợ nam giới chịu nghỉ phép ở nhà chăm con, đồng thời tăng cường giúp đỡ tài chính những doanh nghiệp vừa và nhỏ cho phép nam nhân viên làm như thế.
Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết khoảng 2.212 đàn ông xin nghỉ phép chăm con trong nửa đầu năm 2015, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2014, hơn 3.420 nam giới đã xin nghỉ phép chăm con, tăng gấp đôi so với 2 năm trước đó. Tuy nhiên, đàn ông hiện mới chiếm 5% trong tổng số cha mẹ nghỉ phép chăm con. Vì thế, Seoul đặt mục tiêu đẩy tỉ lệ này lên 30% vào năm 2030 với hy vọng khích lệ nam giới Hàn Quốc dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái và làm việc nhà.
Để chinh phục cột mốc trên, chuyên gia Hong Seung-ah thuộc Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) cho rằng văn hóa làm việc nhiều giờ, cộng với “truyền thống” nhậu nhẹt sau giờ làm cần được chỉnh sửa để nam giới có thêm thời gian phụ chăm lo con cái và nhà cửa. Một cuộc khảo sát gần đây của KWDI cho thấy có đến 64% nam giới Hàn Quốc sẵn sàng nghỉ phép chăm con nhưng chỉ 2% người thực sự làm điều này.
Nam giới ít làm việc nhà
Theo số liệu thống kê được Bộ Cân bằng giới tính và Gia đình Hàn Quốc công bố đầu tháng 12-2015, nam giới nước này dành trung bình 45 phút/ngày để làm việc nhà, chỉ bằng 1/3 thời gian bình quân của OECD (139 phút). Trong khi đó, thời gian làm việc nhà bình quân hằng ngày của phụ nữ Hàn Quốc là 227 phút, nhiều gấp 5 lần nam giới. Trong số 29 thành viên OECD được khảo sát, thời gian làm việc nhà của nam giới Hàn Quốc là ít nhất, qua đó nêu bật tình trạng bất bình đẳng giới dai dẳng ở nước này.
Tình trạng hôn nhân cũng ảnh hưởng đến thời gian phụ nữ Hàn Quốc dành cho công việc nhà. Phụ nữ đã lập gia đình dành 259 phút/ngày cho chuyện nội trợ, trong khi người độc thân chỉ bỏ ra 63 phút.
Bình luận (0)