Từ phí chơi golf, thỏa thuận cấp phép cho đến giá các căn hộ chung cư đều sụt giảm, qua đó cho thấy sự sa sút nhất định trong hoạt động kinh doanh của gia đình Tổng thống Trump.
Đáng chú ý là những chính sách được sự ủng hộ của cử tri trung thành với ông Trump lại không được lòng người giàu vốn góp phần giúp đế chế kinh doanh của ông phát triển thời gian qua. Một số nhà phân tích thẳng thừng nhận định thương hiệu Trump không còn được ưa chuộng hoặc mất dần sức hút.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) chơi golf tại Scotland hồi tháng 7-2018. Ảnh: AP
Kết quả phân tích dữ liệu kinh doanh của Công ty dịch vụ bất động sản CityRealty cho thấy giá một foot vuông (khoảng 0,092 mét vuông) tại 9/11 tòa nhà mang tên Trump ở khu Manhattan ở TP New York đã giảm trong 10 tháng đầu năm 2018. Con số này cũng sụt giảm vào năm trước đó.
Nếu tính từ khi ông Trump nhậm chức, mức giá trên giảm trung bình 9% và hiện ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, giá các tòa nhà ở Manhattan nói chung đã tăng 29%.
Ông Zach Gutierrez, chuyên gia tư vấn của CityRealty, cho rằng các tòa nhà mang thương hiệu Trump gặp khó một phần bởi vì chúng trông có vẻ lỗi thời khi đứng bên cạnh các tòa nhà sang trọng mới mọc lên trong những năm gần đây.
Nhưng ông nói thêm rằng thực tế là người tìm mua căn hộ giờ đây không còn để mắt đến tòa nhà mang thương hiệu Trump. "Chính sách của ông ta chắc chắn đang khiến mọi người xa lánh" - ông Gutierrez đúc kết.
Hoạt động kinh doanh của Ivanka Trump, con gái ông Trump, cũng bị ảnh hưởng bởi chuyện chính trị. Cô Ivanka đã đóng cửa công ty sản xuất váy, giày, túi xách và các phụ kiện khác hồi tháng 7-2018 sau khi thương hiệu của mình bị tẩy chay và một số nhà bán lẻ quyết định nói không với dòng sản phẩm này do doanh số không ấn tượng.
Dù vậy, công ty của cô Ivanka khi đó khẳng định vẫn kinh doanh tốt khi đó và việc ngừng hoạt động xuất phát từ mong muốn tập trung vào công việc cố vấn Nhà Trắng của cô.
Hoạt động kinh doanh của Ivanka Trump, con gái ông Trump, cũng bị ảnh hưởng bởi chuyện chính trị. Ảnh: Bloomberg
Ông Eric Trump cũng đánh giá tích cực về 17 khu nghỉ dưỡng golf của cha ở khắp thế giới khi tuyên bố hồi đầu năm 2018 rằng chúng đang kinh doanh ấn tượng.
Tuy nhiên, một vài dữ liệu công khai ít ỏi cho thấy bức tranh tương phản. Báo cáo tài chính do các chính phủ Anh và Ireland công bố hồi tháng 10-2018 cho thấy hai khu nghỉ dưỡng golf của ông Trump ở Scotland và một ở Ireland đã thua lỗ hàng triệu USD năm trước đó. Đây là năm thứ tư liên tiếp những nơi này làm ăn bết bát.
Doanh thu từ khu nghỉ dưỡng golf Doral tại TP Miami - Mỹ giảm 26% vào năm 2017, theo ước tính của tạp chí Forbes. Điều đáng nói, khu nghỉ dưỡng này là nơi mang lại phần lớn doanh thu golf cho đế chế kinh doanh của ông Trump.
Một lĩnh vực kinh doanh khác cũng đang đối mặt rắc rối: khách sạn căn hộ. Với mô hình này, khách hàng mua phòng tại các khách sạn của ông Trump rồi giao cho công ty ông để cho khách thuê nhằm kiếm thêm thu nhập.
Tòa nhà căn hộ Trump Place ở TP New York bị dỡ bỏ tên sau khi cư dân ở đó bỏ phiếu ủng hộ điều này. Ảnh: REUTERS
Ông Terry Gould cho biết đã phải bán lại hai căn hộ của mình trong tòa tháp Trump ở TP Las Vegas vào năm 2017 vì thất vọng với thu nhập ít ỏi từ chúng. Tương tự, ông Gary Barrett, một doanh nhân công nghệ tại bang Texas, cuối cùng đã từ bỏ hy vọng kiếm được lợi nhuận từ một căn hộ ông đã mua như một khoản đầu tư vào tòa tháp nói trên.
"Những người đủ tiền mua các căn hộ loại này dường như đang tránh xa tên Trump" - ông Barrett nhận định về điều ông gọi là "hiệu ứng Trump".
Báo The Washington Post dẫn một số tài liệu cho thấy thu nhập của chủ sở hữu căn hộ tại một khách sạn mang thương hiệu Trump ở TP New York đã giảm 14% trong giai đoạn 2015-2017. Sự sụt giảm tương tự cũng xảy ra ở một khách sạn Trump tại TP Chicago.
Vào đầu năm ngoái, một khách sạn hạng sang ở thủ đô Panama City của Panama từng mang tên Trump theo thỏa thuận cấp phép đã chính thức được đổi tên thành JW Marriott. Ban quản lý sau đó đã sử dụng xà beng để tháo dỡ cái tên Trump ra khỏi tòa nhà này.
Điều tương tự cũng xảy ra tại tòa nhà căn hộ Trump Place ở TP New York sau khi cư dân ở đó bỏ phiếu ủng hộ điều này.
Khách sạn của ông Trump ở thủ đô Washington - Mỹ. Ảnh: Reuters
Đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy sự pha trộn giữa chính trị và kinh doanh gây tác dụng ngược ngay từ khi ông Trump quyết định tham gia chính trường. Hồi năm 2015, khi thông báo ra ứng cử, ông Trump đã gọi một số người nhập cư Mexico băng qua biên giới bất hợp pháp là "kẻ hiếp dâm".
Một năm sau đó, tranh cãi càng lớn hơn bởi đoạn băng, trong đó ông Trump dường như khoe khoang về chuyện có hành vi không đứng đắn với phụ nữ. Vụ việc khiến nhà bán lẻ Macy's và mạng truyền hình Univision đã cắt đứt quan hệ với thương hiệu của ông.
Dĩ nhiên không phải tất cả thông tin đều xấu. Chẳng hạn như khách sạn mới của ông Trump ở thủ đô Washington đã thu về 40 triệu USD trong năm 2017.
Ngoài ra, còn có những cơ hội chưa khai thác ở bên ngoài nước Mỹ sau khi ông Trump hết làm tổng thống. Trung Quốc và một số nước khác đã phê chuẩn hàng chục nhãn hiệu đăng ký của ông Trump, mở đường cho các hoạt động kinh doanh mới tại đó.
Ông Larry Chiagouris, chuyên gia tại Trường ĐH Pace (Mỹ), cho rằng ông Trump sẽ nhanh chóng xúc tiến nỗ lực kiếm tiền từ những nhãn hiệu này một khi rời Nhà Trắng. Không lạc quan như thế, ông Robert Passikoff, một nhà tư vấn về thương hiệu tại TP New York, cảnh báo rằng không dễ khôi phục được giá trị thương hiệu một khi đánh mất nó.
Bình luận (0)