Sáu tháng sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích một căn cứ không quân của chính phủ Syria, một hành động được những người ủng hộ ông cho là sẽ trao vào tay Washington một đòn bẩy mới ở Trung Đông, ông chủ Nhà Trắng ngày càng sắm vai người ngoài cuộc trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn đầu trong việc định hình một Syria hậu chiến.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Ảnh: Reuters
Trong ngày 22-11, ông Putin sẽ chủ trì cuộc họp với các tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại TP Sochi, một trong không ít cuộc họp do Nga khởi xướng mà Mỹ sẽ không có mặt trong bối cảnh xung đột tại Syria đang hạ nhiệt.
Các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bật phần lớn khỏi lãnh thổ Syria. Các chuyên gia và giới chức Mỹ cho rằng cuộc chiến thực sự hiện nay là về cuộc vật lộn quyền lực khu vực đang nổ ra ở Syria.
Hội nghị Thượng đỉnh Sochi diễn ra sau cuộc gặp bất ngờ giữa ông Putin và Tổng thống Syria Bashar Assad hôm 21-11. Cùng ngày, ông chủ điện Kremlin gọi điện cho Tổng thống Trump để tóm tắt cuộc nói chuyện của mình với người đứng đầu Syria.
"Ông Putin đã thắng" ở Syria, ông Ilan Goldenberg – người phụ trách các vấn đề Trung Đông tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao dưới thời ông Barack Obama - nhận định. Ông này nói thêm: "Lỗi một phần của ông Obama, và một phần đó là lỗi của ông Trump".
Ông Putin và Tổng thống Syria Bashar Assad gặp tại Sochi hôm 21-11. Ảnh: Reuters
Ông Putin bắt tay Tổng thống Syria Assad tại Sochi hôm 21-11. Ảnh: Reuters
Theo Politico, Tổng thống Trump có thể không quan tâm: Ông từng nói rằng ông coi Syria là thất bại của người tiền nhiệm Obama, và ông thấy rằng Mỹ hầu như không thể làm gì bây giờ.
Quan điểm này đã được phải ánh trong quyết định của ông chủ Nhà Trắng hồi đầu năm nay khi ông hoãn chương trình ngầm của CIA vũ trang cho lực lượng nổi dậy chống chế độ Assad.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump cũng có ít nhất một mục tiêu lớn không đạt được ở Syria: đẩy lùi sự ảnh hưởng của Iran – chính quyền đã hợp tác với Nga để bảo vệ chế độ Assad.
"Iran sẽ không cầm trịch, và Iran sẽ không đời nào mang vai trò lãnh đạo trong tình hình ở nơi họ có thể gây thêm nguy hại"- Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley đã nói về Iran hồi tháng 9.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump tới nay vẫn không thành công trong việc tách Moscow và Tehran. Thông tin từ Nhà Trắng về cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Nga hôm 21-11 không đề cập tới Iran, trong khi thông tin tương tự từ phía Kremlin đưa ra chỉ khẳng định sự ủng hộ của ông Putin với thỏa thuận Iran năm 2015 – một thỏa thuận mà vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đang đe dọa hủy bỏ.
Bản tuyên bố chung chi tiết hơn về Syria được Nga và Mỹ đưa ra sau cuộc gặp của Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam hôm 11-11 cũng không đề cập tới tầm ảnh hưởng của Iran.
Với rất ít khả năng cầm trịch ở chiến trường Syria, giới chức của chính quyền ông Donald Trump đang hợp tác với Nga để thu hẹp những mục tiêu như xúc tiến những lệnh ngừng bắn địa phương nhằm dần giảm thiểu bạo lực ở quốc gia Trung Đông này.
Thế nhưng, sự hiện diện quân sự lớn của Nga trên mặt trận ở Syria đang đưa ông Putin vào ghế lèo lái vấn đề lên kế hoạch tương lai của Syria một khi cuộc chiến chấm dứt.
Người cha ôm thi thể của cậu con trai 4 tuổi Muhannad al-Zahar tại bệnh viện Douma sau một một tấn công ở thị trấn Douma – do quân nổi dậy Syria nắm giữ, hôm 20-11. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga hôm 21-11 cũng nói về Syria với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Quốc vương Ả Rập Saudi Salman, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Ngoại trưởng Qatar.
"Một điều đang trở nên tương đối rõ ràng rằng canh bạc Assad-Putin-Iran gần như đã chiến thắng hoàn toàn ở Syria" – Phó Chủ tịch Viện Trung Đông Paul Salem nhận định.
Vị chuyên gia cấp cao này nói thêm rằng người Nga muốn thể hiện tầm ảnh hưởng của họ còn vượt qua cả khía cạnh quân sự và xúc tiến một sự dàn xếp về chính trị.
Chính quyền Tổng thống Trump đã hầu như im tiếng về sự ủng hộ của Nga với chế độ Assad. Họ chỉ lên tiếng ít nhiều sau vụ tấn công hóa học vào người dân vô tội ở Syria hồi tháng 4 của chế độ Assad. "Chúng tôi cho rằng đã đến lúc Nga thực sự suy nghĩ cẩn thận tới việc có tiếp tục ủng hộ chế độ Assad hay không" – Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nói với báo giới lúc bấy giờ. Thế nhưng, giới chức của chính quyền Mỹ sau đó không còn đả động tới điều này nữa.
Khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống, ông Trump chưa một lần đề cập tới việc ông sẽ can thiệp vào Syria, nơi mà ông từng cảnh báo rằng việc đánh bại chính quyền của ông Assad đồng nghĩa với chiến thắng của IS hay al Qaeda.
Tuy vậy, vụ tấn công bằng tên lửa hồi tháng 4 của Mỹ ở Syria đã bất ngờ làm dấy lên những kỳ vọng rằng ông Trump có thể theo đuổi một vai trò tích cực hơn người tiền nhiệm Obama trong cuộc chiến ở Syria.
Tổng thống Putin vẫn cần sự góp mặt của Mỹ trong bất cứ tiến trình hòa bình Syria nào, theo các chuyên gia trong khu vực.
Lãnh đạo Nga không muốn phải gánh toàn bộ trách nhiệm kinh tế, chính trị hay anh ninh với đất nước này. Đây có thể là một cơ hội ngoại giao đối với ông Donald Trump – người vẫn chưa thể hiện một chiến lược rõ ràng để giành được sự nhượng bộ từ ông Putin nhằm đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ.
Tổng thống Mỹ có cuộc trò chuyện tuyệt vời với Tổng thống Nga
Bình luận (0)