Tờ The Washington Post hôm 18-3 cho biết thỏa thuận này quy định các quan chức có thể bị phạt tiền nếu để lộ thông tin mật của Nhà Trắng cho người ngoài, trong đó có giới truyền thông. Ngoài ra, hiệu lực của những thỏa thuận loại này còn được kéo dài đến sau khi ông Donald Trump không còn ở Nhà Trắng.
Theo bản sao dự thảo thỏa thuận, khoản tiền phạt có thể lên đến 10 triệu USD cho mỗi lần vi phạm và số tiền này được nộp cho Bộ Tài chính. Mức phạt gây sốc này đã được giảm trong phiên bản chính thức cuối cùng sau đó.
Ông Steve Bannon từng tiết lộ những thông tin gây sốc về ông Trump sau khi không còn làm Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Ảnh: REUTERS
Các quan chức trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã ký những thỏa thuận tương tự. Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý thắc mắc về tính hợp pháp của chúng khi được áp dụng cho các nhân viên cấp cao của chính phủ liên bang bởi họ có quyền tự do ngôn luận được hiến pháp bảo vệ. Các quan chức cuối cùng cũng chịu ký thỏa thuận, một phần vì kết luận chúng không thể thực thi được.
Theo tờ The Washington Post, đòi hỏi ký thỏa thuận không tiết lộ nêu trên được xem là chưa từng có tiền lệ dù bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng chỉ trích mạnh mẽ hành vi rò rỉ tin mật. Thậm chí, yêu cầu này còn bị xem là mang tính áp bức và vi hiến. Nếu có nhân viên nào bị phát hiện rò rỉ thông tin mật, giải pháp phù hợp là sa thải chứ không phải kiện tụng.
Luật sư Debra Katz, từng đại diện cho một số "người thổi còi" trong nội bộ chính phủ Mỹ, chỉ trích hành vi phạt tiền nêu trên là nỗ lực hạn chế tự do ngôn luận. Không những thế, thỏa thuận chắc chắn khiến không ít người thắc mắc vì sao ông Trump tìm đủ mọi cách bảo đảm không ai biết chuyện gì thật sự xảy ra bên trong Nhà Trắng trong lúc ông làm "sếp" ở đó.
Bình luận (0)