Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 3-9 gọi vụ nổ bom tại TP Davao tối hôm trước là “hành động khủng bố” và tuyên bố tình trạng bạo lực không luật pháp.
Được cảnh báo trước?
Vụ nổ xảy ra lúc 22 giờ 30 phút hôm 2-9 (giờ địa phương) tại khu chợ đêm bên ngoài khách sạn Marco Polo, làm 14 người thiệt mạng và ít nhất 71 người bị thương. Đáng chú ý là vụ nổ xảy ra vào thời điểm ông Duterte có mặt ở TP Davao nhưng nhà lãnh đạo này không hề hấn gì.
Vụ tấn công buộc Tổng thống Duterte hủy bỏ chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của ông (đến Brunei) trên cương vị tổng thống dự kiến diễn ra ngày 4-9. Tuy nhiên, theo trang tin Rappler, ông Duterte khẳng định vẫn sẽ đến Lào dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trong tuần tới.
Hiện chưa có kết quả điều tra chính thức từ nhà cầm quyền Philippines về vụ nổ nhưng nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf ngày 3-9 lên tiếng nhận trách nhiệm. Phó Thị trưởng Davao Paolo Duterte, con trai tổng thống Philippines, nói rằng 2 ngày trước vụ nổ, ông nhận được lời đe dọa về một vụ tấn công từ một nguồn không xác định.
Tổng thống Duterte vẫn chưa quy trách nhiệm cho Abu Sayyaf nhưng nói nhóm này từng đưa ra lời đe dọa trước khi xảy ra vụ nổ ở Davao. “Họ đã đưa ra lời đe dọa với chúng tôi. Không chỉ ở đảo Jolo mà còn nhiều nơi khác. Chúng tôi nhận được cảnh báo và đã chuẩn bị sẵn sàng. Thật không may, chúng tôi không thể lục soát hoặc bắt mọi người dừng lại để kiểm tra vì đó giống như hành động phát xít vậy” - trang tin GMA News dẫn lời ông Duterte.
Mặt khác, Tổng thống Philippines tuyên bố các điều tra viên không loại trừ những nghi can khác, trong đó có các băng đảng ma túy đang trong tầm ngắm của chiến dịch trấn áp đẫm máu mà ông phát động kể từ khi nhậm chức hồi cuối tháng 6.
Vụ tấn công xảy ra khi quân đội vẫn đang giao tranh với thế lực Abu Sayyaf ở tỉnh Sulu. Tình hình đặc biệt căng thẳng khi những phiến quân này còn bắt cóc và chặt đầu dân làng và dọa sẽ tăng cường tấn công trên diện rộng. Một số chỉ huy của Abu Sayyaf, tổ chức khủng bố chuyên thực hiện đánh bom, bắt cóc, chặt đầu, đã thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, quân đội lại khẳng định chưa có bằng chứng về các hợp tác thực tiễn giữa hai tổ chức trên. Tuần trước, ông Duterte ra lệnh tiến hành đợt tấn công lớn loại trừ lực lượng Abu Sayyaf tại căn cứ của chúng trên đảo Jolo.
Tin đồn ám sát
Vài giờ sau vụ tấn công, ông Duterte đã ban bố “tình trạng vô luật” khắp nước, huy động lực lượng an ninh để chống khủng bố. Ông cho biết đây không phải là thiết quân luật nhưng đòi hỏi “nỗ lực của toàn quốc, sự chung tay của quân đội và cảnh sát”. Theo ông, bước đi này sẽ cho phép triển khai binh sĩ tại các trung tâm thành thị để hỗ trợ cảnh sát thiết lập trạm kiểm soát và tăng cường tuần tra.
“Chúng ta đang đối diện với một cuộc khủng hoảng liên quan đến ma túy, giết chóc không qua xét xử và giờ đây là một môi trường bạo lực không luật pháp” - nhà lãnh đạo Philippines nhận định khi có mặt tại hiện trường vụ tấn công.
Vụ nổ trên xảy ra vào thời điểm ông Duterte đang phát động cuộc chiến chống tội phạm ma túy, phiến quân Hồi giáo và quan chức tham nhũng. Điều này có nguy cơ khiến ông có thêm không ít kẻ thù. Đáng chú ý là đã xuất hiện những tin đồn về âm mưu ám sát Tổng thống Duterte, nhất là khi chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của ông đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.
Tờ The Sydney Morning Herald (Úc) nhận định vụ nổ bom là thách thức bạo lực đầu tiên đối với phong cách làm việc “gây sốc và kinh hoàng” đang góp phần phơi bày những rạn nứt sâu sắc trong xã hội Philippines của ông Duterte.
Bình luận (0)